Mùa mưa năm nay diễn biến thất thường với nhiều đợt mưa dầm kéo dài, làm xuất hiện dịch bệnh trên nhiều loại cây trồng. Dự báo vụ thu hoạch cuối năm, năng suất lẫn chất lượng nhiều loại cây trồng bị giảm sút...
Mùa mưa năm nay diễn biến thất thường với nhiều đợt mưa dầm kéo dài, ẩm ướt là nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh trên nhiều loại cây trồng. Dự báo vụ thu hoạch cuối năm, năng suất lẫn chất lượng nhiều loại cây trồng bị giảm sút.
Nông dân trồng xoài lo mất vụ tết vì ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Ảnh chụp tại vườn xoài ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). |
Nông dân còn lo lắng vì chi phí đầu tư phân, thuốc tăng cao nhưng khó đạt năng suất tốt, cộng thêm thị trường đầu ra cũng nhiều bất ổn.
* Ảnh hưởng dịch bệnh
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp. Với cây hàng năm, có 1.630 hécta lúa, bắp bị bệnh đạo ôn, bạc lá, sâu đục thân, rệp, đốm lá... Với cây lâu năm, diện tích bị sâu bệnh cũng tăng nhiều so với mọi năm. Chỉ riêng hồ tiêu đã có trên 2 ngàn hécta bị bệnh chết nhanh, chết chậm và thán thư. Trên 1 ngàn hécta sầu riêng bị các bệnh chảy gôm, nấm hồng, cháy lá chết đọt. Ngoài ra, gần 2,2 ngàn hécta cây điều, cà phê, cao su và cây ăn trái khác bị các loại dịch bệnh như: sâu đục thân, sâu vẽ bùa, bệnh gỉ sắt...
Thời điểm này, các nhà vườn trồng bưởi, cam, quýt, mãng cầu... cũng đang đổ vốn chăm sóc để có sản phẩm cung cấp cho thị trường mùa Tết Nguyên đán 2019. Nông dân cũng đối mặt với nhiều nỗi lo vì chi phí đầu tư tốn kém hơn mọi năm nhưng giá cả đầu ra vẫn còn là ẩn số. |
Mùa mưa năm nay nông dân trồng rau cũng gặp rất nhiều khó khăn vì những đợt mưa lớn kéo dài gây hư hại vườn rau. Ông Trần Văn Trung, nông dân trồng rau tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) than thở: “Trồng rau mùa mưa tốn nhiều công và chi phí hơn nhưng không phải lúc nào cũng có thu hoạch. Những đợt mưa dầm liên miên khiến nhiều vụ rau thất trắng. Những nhà vườn có thu thì năng suất cũng rất thấp vì sâu bệnh, giập úng. Khó khăn không nhỏ là năm nay đầu ra bấp bênh hơn, nhiều vụ rau vừa mất mùa vừa mất giá”.
Với những cây trồng ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết như: điều, xoài... càng có nguy cơ mất mùa nặng. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn dẫn chứng: “Xoài nghịch vụ mùa Noel và cuối năm nay mất mùa nặng. Hiện thương lái đang vào các vườn đặt bao tiêu với giá cao vì dự đoán cuối năm nay nguồn cung khan hiếm do mất mùa”.
Theo ông Bảo, nguyên nhân là do mưa dầm khiến các vườn xoài trổ đọt non thay vì bung bông. Những đợt mưa dầm xuất hiện vào thời điểm xoài ra bông; nấm bệnh làm cháy ngọn, cháy bông là nguyên nhân chính khiến cây trồng này thất thu nặng mùa cuối năm.
* Năng suất giảm
Nhiều loại cây ăn trái thu hoạch vào vụ tết năm nay cũng lo mất mùa vì ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh.
Ông Đoàn Trung Ngọc, nông dân trồng thanh long tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) cho biết: “Mùa mưa năm nay, nhiều vườn thanh long bị nấm bệnh gây hại; có vườn nhiễm nấm tắc kè nặng phải chặt bỏ những cây bệnh, cây cứu được cũng bị suy kiệt phải tốn thời gian dưỡng cho lại sức”.
Theo đó, năng suất thanh long vụ cuối năm nay có thể sẽ giảm mạnh so với mọi năm. Nông dân càng phập phồng không yên sau đợt thanh long rớt giá vì phải đổ tiền vào đầu tư, chữa bệnh cho vườn cây mà không biết vụ thu hoạch sắp tới có bán được với giá tốt.
Lo lắng nhất hiện nay là nông dân trồng tiêu vì phải đối mặt với một vụ thu hoạch vừa mất mùa vừa mất giá. Ông Hoàng Văn Lập, nông dân trồng tiêu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) lo lắng: “Trên báo chí thì đưa thông tin giá tiêu lên được 57 ngàn đồng/kg nhưng thực tế hiện thương lái thu mua cho dân chỉ 53 ngàn đồng/kg. Với giá bán này, nông dân thu không đủ bù chi vì năng suất tiêu năm nay có thể giảm từ 30-40% so với vụ mùa năm ngoái”.
Càng gần vào vụ thu hoạch, nông dân càng lo lắng giá hồ tiêu sẽ còn sụt giảm. Phong trào chặt bỏ vườn tiêu vẫn âm thầm diễn ra tại các địa phương vì nông dân càng làm càng lỗ.
Bình Nguyên