Từ ngày 24-9, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính thức áp thuế lên 189 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được cho là đã thực sự bắt đầu. Theo nhiều nguồn, thông tin từ đầu năm 2019 mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc sẽ là 25% và tăng dần lên, có những mặt hàng thậm chí phải chịu mức thuế lên đến 44%.
Từ ngày 24-9, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính thức áp thuế lên 189 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được cho là đã thực sự bắt đầu. Theo nhiều nguồn, thông tin từ đầu năm 2019 mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc sẽ là 25% và tăng dần lên, có những mặt hàng thậm chí phải chịu mức thuế lên đến 44%.
Về phía Việt Nam, 2 ngành gần như chịu ảnh hưởng ngay là xuất khẩu cao su và xuất khẩu gỗ (dưới dạng nguyên liệu). Với cao su, hiện nay trên 63% cao su nguyên liệu của Việt Nam đang được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó phần lớn phục vụ cho ngành sản xuất linh kiện ô tô của Trung Quốc. Mỹ áp thuế cao lên linh kiện ô tô đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu nhóm mặt hàng này từ đó tác động ngược trở lại ngành cao su Việt Nam ở mức độ “khá trầm trọng” - theo đánh giá của nhiều chuyên gia. Nếu thách thức này bị đẩy lên cao theo thời gian, thì giá cao su trong nước có khả năng tiếp tục giảm sâu, cao su tồn kho tăng lên và cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều thiệt hại.
Để tránh bớt những rủi ro từ cuộc chiến này, con đường khả dĩ nhất mà ngành cao su Việt Nam có thể làm là mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Dĩ nhiên điều này không phải dễ dàng bởi sau Trung Quốc, 2 khách hàng nhập khẩu cao su nguyên liệu lớn của Việt Nam hiện nay lần lượt là Ấn Độ và Malaysia chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với Trung Quốc. Cụ thể chỉ có 5,7% cao su nguyên liệu của Việt Nam xuất khẩu qua Ấn Độ và 3,9% xuất sang Malaysia. Mặc dù vậy, cơ hội để mở rộng thị phần vẫn đang mở ra do cả Ấn Độ lẫn Malaysia đang phát triển khá mạnh công nghiệp ô tô, cùng một số ngành công nghiệp khác có sử dụng đến nguyên liệu cao su. Các quốc gia khác cũng cần được cân nhắc nhiều hơn nếu Việt Nam muốn mở rộng thị trường xuất khẩu cao su, dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Tương tự, gỗ cũng là ngành khá nhạy cảm với những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Số liệu thống kê chưa chính thức từ một số nghiên cứu chuyên ngành cho thấy số lượng gỗ nguyên liệu xuất khẩu sang Trung Quốc gần như ngay lập tức đã sụt giảm khi Mỹ tuyên bố chiến tranh thương mại với nước này. Theo đó tổng lượng gỗ xẻ trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do các doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn khi xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên không giống cao su, ngành gỗ Việt Nam thay vì xuất khẩu sang Trung Quốc thì có thể tăng lượng sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ do áp lực cạnh tranh từ đồ gỗ Trung Quốc đã giảm bớt.
Với các ngành sản xuất hàng hóa khác, hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể, chính thức về mức độ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên để chuẩn bị ứng phó với những tác động đó, tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu là vô cùng cần thiết và bức bách.
Vi Lâm