Báo Đồng Nai điện tử
En

Chậm tiến độ

08:10, 22/10/2018

Theo kế hoạch ban đầu, khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao đầu tiên của Đồng Nai tại huyện Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2017 và đi vào hoạt động. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công được.

Theo kế hoạch ban đầu, khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao đầu tiên của Đồng Nai tại huyện Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2017 và đi vào hoạt động. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công được.

Ông Bùi Ngọc Hưng (ấp 3, xã An Phước) trên mảnh đất chờ thu hồi làm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành.
Ông Bùi Ngọc Hưng (ấp 3, xã An Phước) trên mảnh đất chờ thu hồi làm Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành.

Tháng 7-2015, UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư cho dự án KCN công nghệ cao Long Thành. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 282 triệu USD, dự tính chia làm 2 giai đoạn đầu tư (giai đoạn 1 từ 2015-2017 và giai đoạn 2 từ 2018-2020). Sau khi hoàn thành, KCN sẽ thu hút những dự án thứ cấp có công nghệ cao từ các nhà đầu tư nước ngoài.

* Dân nóng lòng chờ dự án

Dự án KCN công nghệ cao Long Thành có tổng diện tích 410 hécta, nằm trên địa bàn thị trấn Long Thành, xã An Phước và xã Tam An. Để thực hiện dự án, sẽ có hơn 1,4 ngàn hộ dân bị thu hồi đất, trong đó trên 800 hộ bị giải tỏa trắng phải bố trí tái định cư. Đến thời điểm này, dự án đã thu hồi đất được khoảng 220 hécta, nhưng do các thửa đất không liền khoảnh nên chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành khởi công được.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho biết đây là dự án khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh nên UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo họp định kỳ để kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp nhà đầu tư sớm có đất sạch thực hiện dự án. Dự án khi hoàn thành hạ tầng sẽ thu hút những doanh nghiệp FDI trên lĩnh vực công nghệ cao đầu tư vào tỉnh. Nếu dự án chậm, nhiều doanh nghiệp công nghệ cao không đợi được sẽ đi tìm nơi khác để thuê đất đầu tư.

Bà Phan Thị Kim Thanh (tổ 15, ấp 3, xã An Phước) cho hay: “Căn nhà của gia đình tôi trong diện giải tỏa trắng để làm KCN công nghệ cao. Dự án triển khai từ năm 2015, nhưng đến nay gia đình tôi vẫn chưa được bồi thường nhà đất và tái định cư. Tôi và những hộ bị giải tỏa ở đây chỉ mong dự án sớm bồi thường, bố trí tái định cư để chúng tôi ổn định cuộc sống”.

Phần lớn người dân có đất nằm trong dự án đều đồng tình với chủ trương của Nhà nước là sẽ giao đất. Tuy nhiên, các hộ dân cũng yêu cầu nơi tái định cư phải đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ; đồng thời mức bồi thường đất, tài sản trên đất phù hợp, không quá thấp khiến người dân thiệt thòi.

Lão nông Bùi Ngọc Hưng (ấp 3, xã An Phước) chia sẻ: “Tôi có gần 3 ngàn m2 đất đã chia hết cho 4 người con xây nhà để ở. Vì thế, tôi và các con chỉ cần khi thu hồi đất bố trí cho mỗi gia đình 1 lô tái định cư và số tiền bồi thường đủ xây dựng căn nhà như nơi ở cũ”.

Diện tích đất bị thu hồi nằm ở xã An Phước khoảng 180 hécta và có 550 hộ bị ảnh hưởng. Những hộ bị thu hồi đất để làm KCN công nghệ cao Long Thành hầu hết ở ấp 3, xã An Phước. Diện tích còn lại nằm trên địa bàn thị trấn Long Thành và xã Tam An. Người dân xã Tam An và thị trấn Long Thành cũng có chung mong muốn sớm có tái định cư, chi trả tiền bồi thường để họ chuyển đến nơi mới an cư lập nghiệp. Vì dự án kéo dài hơn 3 năm khiến những hộ dân ở trong vùng quy hoạch bị hạn chế các quyền lợi trên thửa đất của mình, nhà cửa xuống cấp cũng không sửa được.

Huyện Long Thành đang thực hiện khu tái định cư khoảng 47 hécta tại thị trấn Long Thành, địa điểm này được dân đồng thuận. Tuy nhiên, số lô tái định cư ở đây không đủ nên huyện cũng đang họp dân đề nghị một số hộ sẽ về khu tái định cư Lộc An ở xã Lộc An, những hộ này sẽ được bù phần tiền chênh lệch so với lô tái định cư tại thị trấn Long Thành.

* Giữa năm 2019 khởi công?

Dự án KCN công nghệ cao Long Thành do Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành (thuộc Công ty cổ phần Amata Việt Nam) làm chủ đầu tư, dự kiến, trong năm 2018 sẽ hoàn thành công tác bồi thường và giao đất sạch cho nhà đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư sẽ tiến hành ký hợp đồng thuê đất, xin giấy phép xây dựng. Có khả năng cuối tháng 6-2019, doanh nghiệp sẽ khởi công xây dựng hạ tầng KCN công nghệ cao Long Thành và đến cuối năm 2019 bắt đầu ký hợp đồng thuê đất với những nhà đầu tư thứ cấp.

Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam cho biết: “Từ năm 2017 đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực công nghệ cao đến ngỏ ý muốn thuê đất, xây dựng nhà máy sản xuất trong KCN công nghệ cao. Song công tác bồi thường kéo dài, dự án phải chậm lại, chưa xây dựng hạ tầng nên đơn vị chưa thể ký hợp đồng thuê đất”. Nếu trong năm nay, tỉnh giao đất sạch cho nhà đầu tư làm hạ tầng, khoảng 6-2020, KCN công nghệ cao Long Thành sẽ có nhà máy đi vào hoạt động. Dự kiến, KCN công nghệ cao sẽ thu hút 2 tỷ USD vốn đầu tư của các doanh nghiệp thứ cấp.

“Huyện đang tập trung hoàn tất khu tái định cư và tính giá bồi thường cho những diện tích đất bị thu hồi. Dự tính trong năm nay sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong dự án và giao đất sạch cho chủ đầu tư. Hầu hết các hộ dân đồng tình, chỉ có một số hộ thắc mắc giá bồi thường chưa thỏa đáng”- Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Tấn Hưng nói.

Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã chuyển gần 480 tỷ đồng để bồi thường cho 477 hộ dân bị thu hồi đất. Diện tích còn lại cần phải bồi thường là 135 hécta. Dự án trên không chỉ nhà đầu tư vội mà tỉnh cũng đang tìm cách đẩy nhanh tiến độ để năm 2020 có thể đi vào hoạt động.

Hương Giang

Tin xem nhiều