Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà chủ làm nông sản sạch

08:10, 22/10/2018

Trang trại rộng 5 hécta trồng các loại cây như: tiêu, bơ, sầu riêng của bà Lê Thị Phượng tại xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) là mô hình điểm của địa phương để bà con nông dân học tập.

Trang trại rộng 5 hécta trồng các loại cây như: tiêu, bơ, sầu riêng của bà Lê Thị Phượng tại xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) là mô hình điểm của địa phương để bà con nông dân học tập.

Sầu riêng, bơ của trang trại bà Lê Thị Phượng thường được trưng bày, giới thiệu là sản phẩm tiêu biểu của huyện Cẩm Mỹ vì chất lượng trái ngon, an toàn. Ảnh chụp tại khu trưng bày sản phẩm tiêu biểu của địa phương tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2018-2023.
Sầu riêng, bơ của trang trại bà Lê Thị Phượng thường được trưng bày, giới thiệu là sản phẩm tiêu biểu của huyện Cẩm Mỹ vì chất lượng trái ngon, an toàn. Ảnh chụp tại khu trưng bày sản phẩm tiêu biểu của địa phương tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2018-2023.

Trang trại của bà Phượng không chỉ đạt năng suất cao mà còn sản xuất theo hướng an toàn.

* Trồng tiêu sạch

Từ cả chục năm nay, tiêu là cây trồng chủ lực của trang trại bà Phượng. Trong những đợt dịch bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát trên cây tiêu, vườn tiêu của bà Phượng từng bị ảnh hưởng, cây thì chết, cây phát triển èo uột dần. Bà Phượng kể: “Tất cả nguồn thu của gia đình đều trông chờ vào vườn tiêu nên khi cây trồng xảy ra dịch bệnh, tôi vừa tự tìm tòi, vừa tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh của cây trồng này để học những kỹ thuật chăm sóc mới. Hiểu tác hại của việc lạm dụng phân, thuốc hóa học, tôi quyết định chuyển hướng chăm sóc vườn tiêu theo phương pháp sinh học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ”.

Bà Phượng còn quan tâm nuôi cấy các sinh vật có ích trong vườn cây. Nhờ vậy đất canh tác được cải tạo ngày càng màu mỡ. Vườn cây không chỉ khống chế được dịch bệnh mà phát triển ngày càng xanh tốt, cho năng suất, chất lượng cao hơn so với cách làm truyền thống. Bà Phượng so sánh: “Sản xuất theo phương pháp sinh học và hữu cơ nếu tính lâu dài thì rẻ hơn hẳn cách làm truyền thống. Bên cạnh đó, tôi bán tiêu sạch với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường nên lợi nhuận cũng tốt hơn”.

Theo bà Phượng, giai đoạn tiêu rớt giá, bà cũng không lơi lỏng mà càng chăm sóc kỹ hơn để năng suất và chất lượng bù lại phần nào ảnh hưởng bởi giá thấp.  

* Phát triển vườn trái cây đặc sản

Ngoài gần 3 hécta tiêu, diện tích đất còn lại bà Phượng đều cho trồng 2 giống trái cây đặc sản là bơ sáp và sầu riêng. Hiện vườn cây ăn trái đang mang lại lợi nhuận rất tốt cho trang trại. 

Bà Phượng chia sẻ: “Nông dân ngày nay không chỉ cần đức tính cần cù, siêng năng. Điều quan trọng hơn là sự nhạy bén, năng động. Không ít lần tôi phải trả những bài học đắt giá để có kinh nghiệm sản xuất giỏi”. Theo bà Phượng, hơn 10 năm trước bà đã đầu tư trồng cây bơ. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, bà mua nhầm giống bơ chất lượng kém. Cầm cự được vài mùa thu hoạch, trái bơ dở không có thương lái thu mua, bà buộc phải chặt bỏ hàng loạt. Nhưng bà vẫn không bỏ cuộc mà vay vốn để tiếp tục gầy dựng lại vườn đặc sản trồng bơ sáp và sầu riêng hạt lép đang được thị trường ưa chuộng.

Bà Phượng cho biết tiếp tục trồng bơ không chỉ vì bán được giá cao mà còn do thổ nhưỡng vùng đất này rất phù hợp cho cây bơ phát triển. Trái bơ Cẩm Mỹ đã nổi tiếng xa gần về chất lượng trái ngon. Bà cũng mạnh dạn chặt bỏ diện tích tiêu già cỗi, kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng các loại trái cây đặc sản.

Với vườn cây ăn trái, bà Phượng vẫn chuộng lối canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn. Tự tin vào chất lượng trái sạch, trái ngon, bà Phượng thường đem sản phẩm trái cây của trang trại tham gia nhiều chương trình trưng bày, kết nối tiêu thụ nông sản do Đồng Nai tổ chức với mong muốn tìm được đầu ra bền vững.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều