Báo Đồng Nai điện tử
En

Xu hướng "xanh"trong phát triển đô thị

08:09, 27/09/2018

Hội nghị giao ban các đô thị hội viên cụm miền Đông Nam bộ lần thứ VII vừa qua tại TX.Long Khánh đánh giá xu hướng phát triển đô thị trong tương lai phải là kiểu đô thị xanh, thân thiện.

Hội nghị giao ban các đô thị hội viên cụm miền Đông Nam bộ lần thứ VII vừa qua tại TX.Long Khánh đánh giá xu hướng phát triển đô thị trong tương lai phải là kiểu đô thị xanh, thân thiện.

Dải cây xanh trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa.
Dải cây xanh trên đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa.

Với thực trạng hiện nay, điều này đòi hỏi các đô thị phải nỗ lực rất nhiều trong việc tạo ra mảng xanh, đảm bảo môi trường cho đô thị.

* Áp lực dồn lên các đô thị

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, đơn vị Cụm trưởng Cụm đô thị miền Đông Nam bộ chia sẻ, mỗi đô thị có những đặc điểm khác nhau về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và kể cả tốc độ tăng quy mô dân số cơ học, đặc biệt là về mức độ phát triển hạ tầng kỹ thuật hay phát triển kinh tế.

Theo đó, dù khác nhau về quy mô đô thị, tốc độ phát triển nhưng thực tế cho thấy, hiện nay các đô thị đều đang phải đối diện và xử lý những mặt trái của nó, đó là: vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập nước, rác thải, quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng đô thị kém... 

Theo các chuyên gia, một đô thị xanh được xác lập để thực hiện 3 mục tiêu chính là: giảm thiểu lượng phát thải nhà kính; đảm bảo khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu; sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên. Đô thị xanh cần hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên hóa thạch, tích cực giảm thiểu và quản lý chất thải nhằm cải thiện chất lượng đời sống của người dân.

Vấn đề ông Tuấn đưa ra rõ ràng là một câu chuyện chung cho các đô thị tại Việt Nam, dễ dàng thấy được những bất cập này có thể xảy ra ở hầu hết các đô thị, đặc biệt là những đô thị có mức độ tăng dân cư nóng như: TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa, TP.Thủ Dầu Một...

Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho hay, chỉ tính riêng rác thải thì hiện nay mỗi ngày TP.Biên Hòa phải thu gom xử lý hơn 670 tấn rác. Ngoài ra hệ thống giao thông, thoát nước cũng xuống cấp trong khi nguồn kinh phí đầu tư không theo kịp.

TS.Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó tổng thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam cũng cho rằng, đây là tình trạng chung của các đô thị của Việt Nam. Bà Sơn cho biết nhiều thành phố phải dùng phương án xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm mới đáp ứng được nhu cầu. “Ở TP.Thái Nguyên, ngay cả việc trồng cây xanh trong đô thị cũng sử dụng phương án Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện. Cách làm này giảm áp lực cho ngân sách, đồng thời hướng cho người dân ý thức xây dựng thành phố xanh, sạch” - TS.Sơn nói.

* Hướng tới Đô thị “xanh”

Ông Trần Trọng Tuấn cho biết, thời gian qua UBND TP.Hồ Chí Minh xác định phong trào thi đua xây dựng “Đô thị xanh - sạch - đẹp gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu” được lồng ghép với các hoạt động, không phải để “trao giải” mà là để thực hiện tốt hơn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Không chỉ TP.Hồ Chí Minh mà các thành phố khác khu vực miền Đông Nam bộ cũng tập trung nhiều trong việc cải thiện không gian xanh cho đô thị. Đơn cử như TP.Thủ Dầu Một cũng tập trung cho phát triển không gian xanh, hiện thành phố này có 9 dự án xã hội hóa thì có tới 4 dự án xây dựng công viên. Tổng diện tích đất cây xanh đã lên đến hơn 400 hécta, hằng năm chi phí cho chăm sóc cây xanh lên đến trên 57 tỷ đồng. Hay TP.Bà Rịa cũng đã cho xây dựng công viên tại trung tâm thành phố có diện tích lên đến hơn 44 hécta; công viên rừng ngập mặn 70 hécta nằm phía Nam trung tâm thành phố. Các công viên này giúp tạo cảnh quan đẹp và hỗ trợ cân bằng giữa tự nhiên và đô thị.

Để tăng mảng xanh cho đô thị, thời gian gần đây TP.Biên Hòa đã cho rà soát, tiến hành trồng cây tập trung và cây phân tán. Từ đầu năm đến nay đã trồng được hơn 29 ngàn cây xanh các loại. Vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh công cộng và tạo các mảng xanh  của gia đình trong đô thị. Hiện tỷ lệ cây xanh đô thị của Biên Hòa đạt 8,6m2/người. Thành phố cũng cho chỉnh trang cải tạo lại các công viên Biên Hùng, Nguyễn Văn Trị, thay thế cây xanh cho phù hợp tạo bóng mát và cảnh quan trên các tuyến đường Hà Huy Giáp, Hưng Đạo Vương, Nguyễn Ái Quốc, Cách Mạng Tháng Tám.

Bên cạnh đó, TP.Biên Hòa cũng tập trung cải tạo hệ thống thoát nước nhằm chống ngập úng. Đến nay thành phố đã xử lý xong 8 điểm ngập nước, đặc biệt đã giải quyết gần như dứt điểm tình trạng ngập trong nội ô và đang tiếp tục triển khai 12 dự án để xử lý các điểm ngập nước còn lại. Mỗi năm Biên Hòa cho nạo vét trên 10 ngàn mét cống trong các khu dân dư để đảm bảo việc thoát nước của mùa mưa.

TX.Long Khánh được các đô thị hội viên đánh giá là đô thị xanh, sạch. Phó chủ tịch UBND TX.Long Khánh Trần Mộng Thành cho biết, phát triển mảng xanh đô thị được thị xã rất quan tâm để sắp tới khi thị xã lên thành phố sẽ là thành phố xanh. Hiện thị xã đang duy trì hơn 51 ngàn m2 bồn hoa, thảm cỏ và cây xanh trang trí. Chỉ riêng việc trồng cây xanh trong năm 2018, thị xã đã trồng hơn 6.200 cây các loại. Đi cùng với việc trồng cây là vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường khá tốt. UBND thị xã đã tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”. Không chỉ các cơ quan, tổ chức huy động lực lượng dọn vệ sinh vào ngày thứ sáu hằng tuần, mà còn vận động nhân dân tổ chức tổng vệ sinh theo lịch đăng ký vào sáng chủ nhật hằng tuần đã tạo cho không gian của thị xã sạch và thân thiện hơn. Trong công tác quản lý, UBND TX.Long Khánh đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị trên toàn thị xã. Đây là cơ sở để TX.Long Khánh phát triển đô thị theo đúng kiểm soát đô thị “xanh, văn minh, hiện đại”.

Vân Nam

Tin xem nhiều