Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai được quyền công bố thông tin?

08:09, 04/09/2018

Trung tuần tháng 8 vừa qua, sau khi có kết luận chính thức là hệ thống siêu thị Con Cưng không có những vi phạm nghiêm trọng như công bố của đoàn kiểm tra thuộc Cục Quản lý thị trường trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có động thái rất kịp thời.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, sau khi có kết luận chính thức là hệ thống siêu thị Con Cưng không có những vi phạm nghiêm trọng như công bố của đoàn kiểm tra thuộc Cục Quản lý thị trường trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có động thái rất kịp thời. Đó là chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các đơn vị trong bộ rà soát các quy định, quy trình nghiệp vụ, thực thi công vụ của cán bộ, công chức lực lượng quản lý thị trường và bộ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Bộ cũng nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức lực lượng quản lý thị trường trong khi thi hành công vụ nếu có (nguồn: Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngay khi những thông tin đầu tiên về vi phạm của Con Cưng được công bố trong đợt tổng kiểm tra nhiều cửa hàng trong hệ thống và nhanh chóng lan truyền trên báo chí, Con Cưng đã gánh chịu một cuộc khủng hoảng chưa từng có khi rất nhiều khách hàng tạm ngừng mua hàng tại hệ thống này. Thiệt hại vì những điều này cho đến nay vẫn chưa có thống kê, song thực sự là rất lớn theo chia sẻ của Tổng giám đốc hệ thống này trên báo chí.

Một vụ việc mới xảy ra cũng tương tự Con Cưng là vụ cơm tấm Kiều Giang bị kiểm tra đột xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc các phụ gia sử dụng trong chế biến. Thông tin Kiều Giang vi phạm cũng nhanh chóng lan rộng và lượng khách đến ăn nhanh chóng sụt giảm thê thảm. Sau đó, Kiều Giang đã cung cấp được hồ sơ giấy tờ chứng minh cơ sở không có những vi phạm nghiêm trọng như nhiều tờ báo đã nêu, song thiệt hại thì đã xảy ra thực sự.

Và một câu hỏi khác đặt ra: liệu ai có quyền công bố thông tin sai phạm của doanh nghiệp cho công luận, cho báo chí và quan trọng hơn, công bố vào lúc nào? Lúc đoàn đang đi kiểm tra và chỉ mới có những ghi nhận ban đầu hay phải chờ đến khi có kết luận cuối cùng? Và ai sẽ bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp khi thông tin bị công bố sai?

Theo nhiều luật sư phân tích trên báo chí, trước thiệt hại của mình, về nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan, cá nhân, tổ chức công bố phải xin lỗi, đính chính công khai. Trường hợp xét thấy có thiệt hại về vật chất thì doanh nghiệp có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện để yêu cầu bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, “được vạ thì má đã sưng”, doanh nghiệp nào cũng hiểu những quy trình này đòi hỏi thời gian, công sức, tiền bạc không ít, đặc biệt là phần giám định thiệt hại. Vậy nên thiết nghĩ, nên sớm có những quy định rất cụ thể, rạch ròi về việc công bố thông tin sai phạm của doanh nghiệp với những nội dung rất rõ ràng, minh bạch, để vừa bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, vừa góp phần hạn chế những vi phạm phát sinh trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Vi Lâm

Tin xem nhiều