Báo Đồng Nai điện tử
En

Tốt "gỗ", tốt cả "nước sơn"

08:08, 09/08/2018

Ngoài các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, giá cả, tính an toàn của sản phẩm, thì hình thức, mẫu mã, tính tiện dụng của bao bì sản phẩm cũng là yếu tố rất quan trọng để thu hút người tiêu dùng.

Ngoài các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, giá cả, tính an toàn của sản phẩm... thì hình thức, mẫu mã, tính tiện dụng của bao bì sản phẩm cũng là yếu tố rất quan trọng để thu hút người tiêu dùng mua hàng Việt.

Khách hàng chọn mua các sản phẩm bột ca cao đóng gói tại cửa hàng của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán).
Khách hàng chọn mua các sản phẩm bột ca cao đóng gói tại cửa hàng của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán).

Theo kết quả cuộc khảo sát về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh trong năm 2017,  có 712/1.000 lượt ý kiến kiến nghị các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước cần quan tâm cải tiến mẫu mã hàng hóa, chất lượng sản phẩm.

* Tăng tính nhận diện thương hiệu

Trên thực tế, nhiều người tiêu dùng cho rằng so với hàng ngoại, hàng liên doanh do các tập đoàn đa quốc gia sản xuất thì tính tiện dụng, độ thu hút của hàng tiêu dùng Việt vẫn chưa bằng.

Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tổ trưởng Tổ chuyên viên giúp việc của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết qua các cuộc khảo sát, ngoài các yếu tố về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, giá cả, tính an toàn của sản phẩm... phần lớn người tiêu dùng còn mong muốn các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước tiếp tục chú trọng cải tiến, nâng cao hình thức, mẫu mã của bao bì sản phẩm.

Chị Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên ở xã Phú Trung (huyện Tân Phú) nhận xét: “Hàng Việt ở chợ thường có bao bì sặc sỡ, hơi chói, dùng nhiều màu đỏ và vàng khá nhàm chán. Một số đặc sản địa phương như: bánh, kẹo, đồ sấy khô... thường có bao bì sơ sài, chưa thực sự nổi bật, khó mở, làm giảm giá trị của món hàng”.

Trong khi đó, theo chị Thanh Tuyền, nhân viên văn phòng ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), trong thời gian qua, hàng Việt đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhất là đối với các loại mặt hàng như: bánh kẹo, sữa, nước giải khát...

Tuy nhiên, cũng theo chị Tuyền, nhiều sản phẩm cần  tăng tính tiện dụng hơn như một số loại đồ hộp, thực phẩm đóng gói... Hơn nữa, cần in nhãn mác, bao bì kỹ càng hơn để hạn chế bị làm giả, nhái nhãn hiệu; hướng tới bao bì thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, việc đồng bộ thương hiệu, logo, màu sắc bao bì sản phẩm... cũng cần được các doanh nghiệp lưu ý để cạnh tranh với các mặt hàng, sản phẩm nhập ngoại ngay trên kệ hàng tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...

Ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, nhiều sản phẩm hàng Việt đã có cải tiến, nâng cao mẫu mã, bao bì sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo, sữa... Tuy nhiên, một số mặt hàng vẫn chưa đạt, còn có phần lép vế so với hàng ngoại. Ví dụ như một số sản phẩm đông lạnh, mì ăn liền... thiết kế bao bì của nhiều doanh nghiệp trong nước có phần rườm rà, chưa có đồng bộ giữa logo và màu sắc của bao bì nên khó nhận diện hơn các sản phẩm cùng loại của Nhật Bản, Hàn Quốc...

* Hiểu khách hàng để cạnh tranh

Để tạo ra những sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vừa tiện dụng là không đơn giản. Điều này đòi hỏi nhiều tâm sức, thời gian, có khi cần phải đầu tư cả đội ngũ tư vấn, thiết kế phù hợp... Việc tạo ra các loại bao bì sản phẩm phù hợp với từng phân khúc, nhóm khách hàng có tầm quan trọng trong việc nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm Việt, nhất là trong thời buổi hội nhập, công nghệ để quảng bá, nâng cao hình ảnh ngày càng phát triển.

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cho biết, nhiều loại bao bì sản phẩm hiện nay chú trọng tính tiện dụng, dễ mở, dễ bảo quản... Điều này đòi hỏi quá trình tìm hiểu kỹ thói quen của khách hàng, xu hướng mới trên thị trường. Chi phí đầu tư về nhãn mác, bao bì sản phẩm hiện chiếm khoảng 7% tổng chi phí sản xuất của công ty. Bên cạnh đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng các công nghệ mới để cải tiến mẫu mã thì bao bì của sản phẩm cũng được doanh nghiệp chú trọng, tiến hành liên tục để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của thị trường.

Ông Khanh chia sẻ thêm, hiện nay công ty tiếp tục nghiên cứu sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường; cũng như xây dựng chiến lược định vị thương hiệu giữa logo, màu sắc, mẫu mã bao bì sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Ông Hồ Quốc Thái, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Lương Gia (huyện Nhơn Trạch) - công ty sản xuất các sản phẩm trái cây sấy, chia sẻ, doanh nghiệp phải thường xuyên nắm bắt các xu hướng về bao bì sản phẩm mới của thế giới để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng hàng Việt cần minh bạch, rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm. Mẫu mã sản phẩm cần được thay đổi để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, nâng cao tính tiện dụng, màu sắc phù hợp, bắt mắt; các loại bao bì cần đa dạng hơn, hướng tới xu hướng bao bì sản phẩm thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế... để thu hút người tiêu dùng.

Hải Quân

Tin xem nhiều