Báo Đồng Nai điện tử
En

Không dễ đầu tư vào cụm công nghiệp

08:08, 02/08/2018

Cả nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp lẫn doanh nghiệp đầu tư thứ cấp đều cho biết, thực tế đầu tư vào cụm công nghiệp trong giai đoạn hiện nay là không mấy dễ dàng...

Cả nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp lẫn doanh nghiệp đầu tư thứ cấp đều cho biết, đầu tư vào cụm công nghiệp hiện nay không mấy dễ dàng. Thực tế, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thì gặp khó về đền bù giải phóng mặt bằng, còn doanh nghiệp đầu tư thứ cấp thì “ngán” giá đất cho thuê cao không thua gì giá tại các khu công nghiệp.

Sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Tân Vạn Phát trong Cụm công nghiệp Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) gặp khó khăn vì vốn đầu tư lớn.
Sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Tân Vạn Phát trong Cụm công nghiệp Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) gặp khó khăn vì vốn đầu tư lớn.

Đến nay toàn tỉnh mới có khoảng 4 cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành hạ tầng. Các cụm công nghiệp khác vẫn đang trong giai đoạn mời gọi nhà đầu tư hoặc đang tiến hành làm các thủ tục ban đầu.

* Đầu tư hạ tầng: ngại giá đất

Hiện nay, phần lớn các cụm công nghiệp đều đã có doanh nghiệp xin đầu tư hạ tầng, trong đó khoảng 14 cụm công nghiệp đang tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang vướng phải việc bồi thường giải phóng mặt bằng do giá đất quá cao nên tạm thời phải chờ đợi cho qua đi cơn sốt đất hiện nay.

Theo Nghị quyết 94/2017 của HĐND tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở khi di dời vào cụm công nghiệp được tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, xây dựng số tiền thấp nhất là 60 triệu đồng/cơ sở và cao nhất là 300 triệu đồng/cơ sở tùy theo diện tích thuê đất.

Ông Lê Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Đô Thành, chủ đầu tư Cụm công nghiệp ô tô Đô Thành (huyện Long Thành) cho biết: “Công ty dự tính đầu tư nhanh hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất, nhưng gần 2 năm qua giá đất ở đây liên tục “sốt”, việc bồi thường phải ngưng lại vì người dân có đất đòi giá quá cao. Công ty đành ngưng lại đợi qua năm 2019 nếu giá đất hạ nhiệt sẽ làm tiếp”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu, huyện có 4 cụm công nghiệp thì chỉ có Cụm công nghiệp Hố Nai hoàn thành hạ tầng và thu hút gần đầy các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề vào sản xuất. Còn lại 2 cụm An Viễn và Hưng Thịnh đang gặp vướng mắc do khó giải phóng mặt bằng. Riêng Cụm công nghiệp Sông Trầu chưa tìm được nhà đầu tư.

“Cũng vì giá đất khá cao, không thể thỏa thuận được nên chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp An Viễn đề xuất xin chuyển vị trí quy hoạch đến khu vực đất cao su để giảm tiền bồi thường. Cơn sốt đất vừa qua khiến các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phải chậm lại trong việc đầu tư” - bà Châu nói.

Bà Châu cho biết tại Trảng Bom, nếu 1 hécta đất trước đây cộng cả bồi thường hỗ trợ dao động 1-2 tỷ đồng/hécta, thì nay người dân đòi tăng gấp 2-2,5 lần. Một số chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tính toán, với giá đất bồi thường và những chi phí khác đều tăng như hiện nay thì tới đây đất trong các cụm công nghiệp cho thuê có thể còn cao hơn cả khu công nghiệp. Dù tỉnh có chính sách hỗ trợ mỗi cụm công nghiệp từ 15-20 tỷ đồng cho doanh nghiệp làm hạ tầng nhưng cũng rất khó bù lại được và khó kéo giá đất cho thuê giảm.

* Doanh nghiệp thứ cấp khó vào

Đồng Nai đã quy hoạch 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 5,2 ngàn hécta, nằm trải đều ở các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa. Mục tiêu làm cụm công nghiệp của tỉnh là để di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư vào để bảo vệ môi trường. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoặc các cơ sở sản xuất - kinh doanh nguồn vốn có hạn sẽ rất khó vào cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thiệu, Giám đốc Công ty TNHH Gia An (TP.Biên Hòa) cho hay: “Các doanh nghiệp nhỏ đều muốn vào được cụm công nghiệp để có mặt bằng sản xuất ổn định, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn về nhà xưởng và môi trường. Thế nhưng, di dời vào cụm công nghiệp doanh nghiệp phải có từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng mới làm được vì phải thuê đất, đóng tiền hạ tầng, xây dựng nhà xưởng, di dời máy móc. Với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, đây là khoản tiền lớn không dễ có để đầu tư”.

Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tại Đồng Nai hầu hết đang rất thiếu vốn để sản xuất - kinh doanh.

Ông Huỳnh Thanh Vũ, chủ Doanh nghiệp tư nhân Tân Vạn Phát chia sẻ: “Cơ sở gốm của tôi đã di dời vào trong Cụm công nghiệp Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) để sản xuất. Dù đã được hỗ trợ 50% tiền hạ tầng và miễn thuế đất 11 năm nhưng doanh nghiệp vẫn lao đao. Vì để xây dựng được nhà xưởng mới và đầu tư máy móc, di dời lò đốt phải tốn 14 tỷ đồng. Số tiền này tôi phải vay ngân hàng, mỗi tháng phải trả cả gốc và lãi gần cả trăm triệu đồng thì quả là một gánh nặng”. Đây cũng là lý do chung khiến khi phải di dời vào các cụm công nghiệp, nhiều cơ sở gốm không đủ lực đã đóng cửa. 

Quy định của tỉnh hiện nay buộc gần 120 cơ sở không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải di dời vào cụm công nghiệp để sản xuất. UBND tỉnh cũng có một số chính sách hỗ trợ như: giảm phí hạ tầng, tiền thuê đất, nhưng doanh nghiệp nhỏ mong muốn Nhà nước cho trả tiền thuê đất, hạ tầng còn lại với thời hạn dài hơn để họ có vốn quay vòng cho sản xuất - kinh doanh.

Khánh Minh

Tin xem nhiều