Giảm bớt những quy định không cần thiết để giúp doanh nghiệp phát triển là mục tiêu của Chính phủ, thế nhưng hiện nay vẫn còn những quy định gây khó cho doanh nghiệp.
Giảm bớt những quy định không cần thiết để giúp doanh nghiệp phát triển là mục tiêu của Chính phủ, thế nhưng hiện nay vẫn còn những quy định gây khó cho doanh nghiệp.
Kiểm tra áp suất hơi tại Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (ảnh tư liệu). |
Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy vẫn còn nhiều quy định về kiểm tra chuyên ngành của các bộ gây khó, cần phải giảm bớt.
* Bất cập kiểm định điện năng
Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã kiến nghị với Bộ Công thương nên xem xét lại quy định “kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu”. Mới đây, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (KCN Nhơn Trạch) đã phải vận chuyển những chiếc motor nhập khẩu để thay thế cho motor trong dây chuyền sản xuất bị hỏng ra tận Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) tại Hà Nội để kiểm nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định. Theo công ty, đây là việc mất thời gian cho doanh nghiệp khá nhiều.
Nghị quyết số 19 của Chính phủ về thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo nêu rõ: “Giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang hậu kiểm; xóa bỏ tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan”. |
Cũng ở huyện Nhơn Trạch, một công ty của Đài Loan (Trung Quốc) cũng phải đưa chiếc biến thế điện nhập khẩu để lắp đặt cho nhà máy ra Quatest 1 để kiểm tra, mất hơn 1 tháng. Lãnh đạo của công ty cho biết thời gian chờ đợi kiểm định quá lâu, doanh nghiệp hoàn toàn ngưng hoạt động ngồi chờ, thiệt hại rất lớn.
Những doanh nghiệp như: Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai Việt Nam (KCN Sông Mây, huyện Trảng Bom), Công ty TNHH Dong-IL Việt Nam (KCN Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành)... cũng rơi vào hoàn cảnh “cực chẳng đã” này.
Các doanh nghiệp cho rằng chỉ nên kiểm định hiệu suất điện năng với những sản phẩm nhập khẩu dùng cho kinh doanh, còn sản phẩm thay thế cho dây chuyền sản xuất có hiệu suất điện năng nhỏ thì không cần thiết. Bên cạnh đó, khu vực phía Nam cần có đơn vị kiểm định để doanh nghiệp không phải ra tận miền Bắc mới thực hiện được.
Ông Nguyễn Phúc Thọ, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho biết tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu motor về thay thế cho dây chuyền sản xuất ở các nhà máy rất nhiều và đều vướng quy định này. Vấn đề này Cục Hải quan Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị suốt nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết.
* Kiểm tra chồng chéo
Ông Lương Quang Diệu, Phó giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Luật Việt Á chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện tình trạng kiểm tra chuyên ngành vẫn còn chồng chéo khá nhiều, đơn cử như nhập khẩu gỗ nguyên liệu vừa phải thực hiện kiểm dịch thực vật sau đó khai báo kiểm lâm.
Mặt hàng gỗ nguyên liệu nhập khẩu không chỉ khai báo kiểm lâm về xuất sứ nguồn gốc mà còn phải kiểm dịch thực vật (go - V.Nam) |
Có những mặt hàng có tới 2 bộ thực hiện việc kiểm tra, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa có Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn kiểm dịch động vật và Bộ Y tế kiểm tra an toàn thực phẩm; hay sản phẩm thịt phải thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm.
“Theo tôi thì việc kiểm tra nên gom về một đầu mối để doanh nghiệp không phải mất thời gian chạy hết cơ quan này đến cơ quan khác, như vậy việc thông quan hàng mới nhanh được” - ông Diệu nói.
Theo thống kê của ngành hải quan, đến nay vẫn còn tới gần 40 nhóm hàng phải thực hiện từ 2-3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Ông Nguyễn Phúc Thọ cho hay đã có 11/14 bộ tham gia vào hệ thống cơ chế một cửa quốc gia, tuy nhiên việc tham gia của các bộ lại không đầy đủ (mới tham gia một phần) dẫn đến doanh nghiệp vẫn phải “chạy lòng vòng”.
Ông Thọ cho biết nhiều doanh nghiệp bị cơ quan hải quan phạt “oan” cũng do phải chạy đi chạy lại nhiều nơi để xin xác nhận nên nộp hồ sơ cho hải quan bị trễ. Nếu việc đó được thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia thì doanh nghiệp hoàn toàn không bị phạt.
Vân Nam