Bộ Giao thông - vận tải đang gấp rút hoàn tất hồ sơ phê duyệt dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để đưa vào khởi công sớm. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào năm 2019.
Bộ Giao thông - vận tải đang gấp rút hoàn tất hồ sơ phê duyệt dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để đưa vào khởi công sớm. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào năm 2019.
Đoàn công tác của Bộ Giao thông - vận tải kiểm tra hướng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn Dầu Giây - Tân Phú. Ảnh: K. Giới |
Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020. Đây là tuyến cao tốc có số vốn khá lớn nên việc đầu tư cũng được Bộ Giao thông - vận tải chia ra thành 3 giai đoạn để dự án có thể dễ triển khai hơn.
* Đang hoàn tất hồ sơ
Đến nay các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông - vận tải đã phối hợp với Sở Giao thông - vận tải của 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng hoàn tất việc kiểm tra thực địa, xác định hướng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương giai đoạn 1 xây dựng đoạn Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài gần 60km đi qua 4 huyện là Thống Nhất, Xuân Lộc , Định Quán, Tân Phú. Tổng diện tích đất cần sử dụng cho dự án hơn 460 hécta, cụ thể diện tích đất tại huyện Thống Nhất trên 64 hécta, huyện Xuân Lộc hơn 16 hécta, huyện Định Quán trên 160 hécta, huyện Tân Phú gần 220 hécta. |
Ông Nguyễn Thanh Đạm, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Giao thông - vận tải cho biết hiện sở đang tập trung góp ý để hoàn tất hồ sơ theo yêu cầu của Bộ Giao thông - vận tải để phê duyệt dự án. “Sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được phê duyệt sẽ tiến hành cắm mốc thực địa và thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng” - ông Đạm nói.
Theo lãnh đạo 2 huyện Định Quán, Tân Phú tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn qua địa bàn 2 huyện không đi qua các khu dân cư đông, chủ yếu qua đất sản xuất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng sau này cũng đỡ phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho hay, hiện chưa có mốc thực tế của tuyến đường cao tốc này nên chưa xác định được cụ thể đất giải phóng mặt bằng như thế nào. Tân Phú cũng trông đợi tuyến đường cao tốc sớm được xây dựng để việc đi lại được thuận tiện hơn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trên thực tế, lưu lượng giao thông trên tuyến quốc lộ 20 hiện nay đã bắt đầu bước vào ngưỡng quá tải, rất cần có đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để chia sẻ bớt. Thống kê của ngành giao thông cho thấy mỗi ngày có khoảng 15 ngàn lượt xe lưu thông trên tuyến quốc lộ này.
* Đoạn qua Đồng Nai dài 60km
Theo phương án đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương của Bộ Giao thông - vận tải, tuyến đường có tổng chiều dài 200km cần đến 65 ngàn tỷ đồng để đầu tư.
Đoạn Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài gần 60km được đầu tư giai đoạn 1 với tổng kinh phí hơn 7 ngàn tỷ đồng. Đoạn này sẽ được đầu tư theo hình thức BOT. Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông - vận tải) - đơn vị được Bộ giao thông - vận tải giao trách nhiệm kiểm tra dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đây là đoạn thiết yếu nên được đầu tư trước, dự kiến khởi công đầu vào năm 2019 và đi vào khai thác vào năm 2021. Đoạn này có điểm đầu giao với quốc lộ 1 và kết nối với điểm cuối đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cách ngã tư Dầu Giây khoảng 2,7km (huyện Thống Nhất). Điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20 tại địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú. Chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án đoạn này khoảng 740 tỷ đồng.
Phần thứ hai, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km, đoạn này có mức vốn đầu tư khoảng 17 ngàn tỷ đồng, được tính toán đầu tư từ huy động vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Phần cuối là đoạn Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài 73km, tổng mức vốn đầu tư cho đoạn này khoảng 13 ngàn tỷ đồng. Theo đánh giá của Bộ Giao thông - vận tải, nếu thực hiện đầu tư theo hình thức BOT sẽ không đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án. Chính vì vậy cần hỗ trợ từ ngân sách hơn 3 ngàn tỷ đồng mới có thể thực hiện được.
Khắc Giới