Không chỉ các dự án đầu tư xây dựng các tuyến giao thông mới gặp khó khăn về nguồn vốn, mà ngay cả những dự án duy tu, sửa chữa, cải tạo các tuyến đường xuống cấp cũng luôn trong tình trạng thiếu vốn.
Không chỉ các dự án đầu tư xây dựng các tuyến giao thông mới gặp khó khăn về nguồn vốn, mà ngay cả những dự án duy tu, sửa chữa, cải tạo các tuyến đường xuống cấp cũng luôn trong tình trạng thiếu vốn.
Nhà thầu đang thi công tuyến đường Bắc Sơn - Long Thành. |
Trên thực tế, những con đường hư hỏng nặng càng phải ưu tiên triển khai thi công để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại và các công trình không thể thi công nửa vời, khi hết vốn là... ngưng.
* Gian nan chờ sửa đường
Tuyến đường Bắc Sơn - Long Thành nối từ quốc lộ 1 thuộc xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) đến đường Võ Nguyên Giáp thuộc xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) có chiều dài 4,5km, đã xuống cấp nhiều năm qua, đặc biệt 2km đầu tuyến mặt đường bị cày nát, hình thành “ổ gà”, “ổ voi” nối tiếp nhau. Dự án sửa chữa, cải tạo lại mặt đường đã nằm trong danh mục từ lâu, nhưng đến năm nay tỉnh mới bố trí được nguồn vốn để thực hiện.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải, trong bối cảnh ngân sách của tỉnh eo hẹp như hiện nay nhu cầu chi cho nhiều lĩnh vực nên phải chấp nhận việc triển khai dự án theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. |
Anh Nguyễn Văn Đạt, tài xế chuyên chở hàng cho các doanh nghiệp từ Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) đến cảng Gò Dầu (huyện Long Thành), cho biết rất nhiều xe ô tô, nhất là xe tải, từ 2 khu công nghiệp Sông Mây và Hố Nai (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đi theo đường Bắc Sơn - Long Thành, vì vậy khi đường bị xuống cấp mà không được sửa chữa ngay sẽ hư hỏng rất nhanh.
Tuyến đường Xuân Tâm - Xuân Đông dài 4,5km nối huyện Xuân Lộc và huyện Cẩm Mỹ cũng hư hỏng trầm trọng nhiều năm qua. Người dân khu vực này vẫn gọi đây là con đường “đau khổ”. Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Hồ Văn Hà chia sẻ: “Chúng tôi “nóng ruột” quá nên đã hỏi Sở Giao thông - vận tải xem khi nào triển khai sửa chữa con đường này và được biết là tháng 8 tới mới có thể khởi công”. Đây cũng là tuyến đường được kiến nghị sửa chữa từ lâu nhưng do không có vốn nên phải chờ.
Theo Khu Quản lý đường bộ, đường thủy (Sở Giao thông - vận tải), hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tuyến đường ở các huyện bị xuống cấp cần phải sửa chữa, tuy nhiên nguồn vốn giới hạn nên phải thực hiện theo cách ưu tiên cho những con đường hư hỏng nặng trước.
* Vốn rót nhỏ giọt
Thống kê của Khu Quản lý đường bộ, đường thủy cho thấy, toàn tỉnh hiện có 44 dự án duy tu, sửa chữa và cải tạo mặt đường cần được bố trí vốn để thực hiện. Tổng nhu cầu vốn cho số dự án này vào khoảng 500 tỷ đồng. Riêng năm 2018, có 16 dự án được phê duyệt kế hoạch đầu tư với số vốn hơn 132 tỷ đồng. Thế nhưng, vốn được phân bổ khá thấp, chưa đến 80 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ, đường thủy, cho biết hiện đang xin bổ sung thêm hơn 53 tỷ đồng nữa mới đủ thanh toán cho các dự án, nếu không được bổ sung thì sẽ rơi vào tình trạng nợ nhà thầu.
Ông Dũng lấy ví dụ, dự án duy tu sửa chữa, cải tạo mặt đường Xuân Tâm - Xuân Đông chuẩn bị khởi công có tổng trị giá công trình trên 11 tỷ đồng nhưng vốn bố trí cho dự án hiện chỉ có hơn 3,3 tỷ đồng, còn thiếu hơn 7,7 tỷ đồng nữa. Hay tuyến đường Bắc Sơn - Long Thành nhu cầu vốn tới 18 tỷ đồng, trong khi khả năng bố trí vốn của tỉnh cho dự án cũng chỉ có 6,4 tỷ đồng. “Chỉ những công trình dưới 1 tỷ đồng mới được duyệt đủ vốn, còn lại đều hụt. Các công trình sửa chữa, cải tạo mặt đường không thể làm dang dở hết vốn là ngưng nên phải thương thảo thiếu nợ nhà thầu sau đó xin vốn bổ sung để trả sau” - ông Dũng nói.
Theo tính toán của Khu Quản lý đường bộ, đường thủy, nếu đủ kinh phí (khoảng 500 tỷ đồng) thì các tuyến đường sẽ được cải tạo mới toàn bộ và 10 năm sau mới phải cấp kinh phí trở lại. Tổng số kinh phí có thể thấp hơn so với cấp nhỏ giọt hằng năm như hiện nay.
Khắc Giới