Báo Đồng Nai điện tử
En

Hồi hộp "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung

10:07, 09/07/2018

Mỹ và Trung Quốc vừa chính thức bước vào "cuộc chiến" thương mại trong ngày 6-7 vừa qua khi đôi bên áp nhiều mức thuế hàng chục tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ 2 nước.

Mỹ và Trung Quốc vừa chính thức bước vào “cuộc chiến” thương mại trong ngày 6-7 vừa qua khi đôi bên áp nhiều mức thuế hàng chục tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ 2 nước. Rất nhiều chuyên gia đã dự báo rằng cuộc chiến thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới và quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ gây ra những xáo trộn và ảnh hưởng vô cùng lớn đến kinh tế thế giới.

Và câu hỏi là, Việt Nam bị tác động ra sao trong cuộc chiến đặc biệt này, và hơn thế doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để giữ vững thị phần?

Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, sự căng thẳng leo thang trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đem đến nhiều tác hại hơn là cơ hội đối với kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, với mức thuế cao mà Mỹ áp lên mặt hàng thép từ Trung Quốc, khiến giá bán của thép Trung Quốc tại thị trường Mỹ tăng lên thì có khả năng thép Trung Quốc không thể cạnh tranh nổi trong thị trường Hoa Kỳ mà phải bán sang các thị trường khác là điều dễ thấy. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia mà Trung Quốc chọn để tiêu thụ hoặc làm nơi trung chuyển thép đi các thị trường khác. Trường hợp thép Trung Quốc ào sang thị trường Việt Nam thì các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước sẽ gặp khá nhiều khó khăn để cạnh tranh về giá, về số lượng, thậm chí là chất lượng. Điều này được dự đoán cũng có thể xảy ra với các chủng loại hàng hóa có khả năng bị đánh thuế cao như: máy móc, hóa phẩm, linh kiện máy bay, lốp cao su và thiết bị y tế...

Thực ra, dưới góc nhìn kinh tế, việc hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế cao khi vào Mỹ cũng có thể tạo cơ hội cho hàng hóa từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, dựa vào danh mục các mặt hàng có thể bị đánh thuế cao khi vào Mỹ thì có thể thấy nhóm hàng hóa đó gần như không phải thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, mà lại là lợi thế của các quốc gia khác như: Singapore, Malaysia hay Ấn Độ...

Về các chính sách để ứng phó, kỳ thực trong mắt các chuyên gia thì khó có chính sách nào khả dĩ để giải quyết được những tác động này khi diễn biến cụ thể ra sao phụ thuộc rất nhiều vào từng động thái của 2 bên trong thời gian sắp tới. Điều tốt nhất mà cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp có thể làm chỉ là theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến thương mại này, linh động và có giải pháp phù hợp với từng chuyển biến đó. Việc liên kết lẫn nhau giữa các quốc gia có ký kết các hiệp ước tự do thương mại như ASEAN chẳng hạn, là rất cần thiết trong việc hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết để cùng bảo vệ lợi ích chung, đồng thời tạo thêm thị trường lẫn nhau trong trường hợp bị hàng Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến này dự đoán cũng sẽ gây ảnh hưởng mạnh lên tỷ giá và do đó, các doanh nghiệp trong nước lẫn Chính phủ cũng cần bám sát và minh bạch thông tin để có những ứng phó kịp thời.

Vi Lâm

Tin xem nhiều