Những doanh nghiệp ngành sản xuất và xuất khẩu giày dép tại Việt Nam hiện đang trong tâm thế mong chờ Hiệp định thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTE) - hiệp định được dự đoán là sẽ ký kết trong năm nay và sớm có hiệu lực.
Những doanh nghiệp ngành sản xuất và xuất khẩu giày dép tại Việt Nam hiện đang trong tâm thế mong chờ Hiệp định thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTE) - hiệp định được dự đoán là sẽ ký kết trong năm nay và sớm có hiệu lực. Nội dung quan trọng khiến doanh nghiệp ngành giày dép quan tâm là điều khoản thuế suất sẽ về 0% ngay cho giày thể thao khi vào thị trường châu Âu. Giày thể thao là mặt hàng chiếm khoảng 2/3 số lượng giày dép xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Giày dép là ngành xuất khẩu nhiều ở Đồng Nai. Trong ảnh: Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai(Ảnh: Tư liệu) |
Năm 2017, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu giày dép đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2017 Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 1 tỷ đôi giày dép trong tổng số 27 tỷ đôi giày dép xuất khẩu trên toàn thế giới.
Khoảng 3 năm nay, xu hướng dịch chuyển sản xuất về Việt Nam thay vì Trung Quốc đang được các tập đoàn giày dép lớn đẩy mạnh, nguyên nhân chính là do muốn tận dụng các lợi thế về thuế suất lẫn nguyên liệu do các hiệp định song phương và đa phương mang lại. Thêm vào đó, Trung Quốc tập trung ưu đãi đầu tư cho các ngành nghề công nghệ cao nên giảm bớt ưu đãi cho ngành da giày, cũng như thay đổi khá nhiều trong chiến lược thu hút đầu tư giày dép, giá nhân công cao hơn, yêu cầu về môi trường khắt khe hơn.
Sự dịch chuyển này thấy rõ ở những tập đoàn giày dép lớn nhất như Adidas hoặc Puma, đã bắt đầu dịch chuyển dần các nhà máy về Việt Nam thay vì vẫn ở lại Trung Quốc và nhiều ý kiến trong ngành đánh giá xu hướng này sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trước mắt, sự dịch chuyển này đem lại nhiều lợi thế cho ngành giày dép nói riêng và nền kinh tế nói chung, bởi giúp tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm... Song điều đáng lo ngại là doanh nghiệp trong nước không tham gia được nhiều trong xu hướng này do những hạn chế nội tại bao năm vẫn chưa khắc phục được nhiều. Những hạn chế đó vẫn xoay quanh vấn đề như: vốn ít trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp của doanh nghiệp trong nước hạn chế, khả năng kết nối với các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu và phụ liệu không cao, kinh nghiệm thị trường mỏng... Do đó, mặc dù xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất giày dép về Việt Nam mạnh lên, song theo Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước lại giảm từ 25% (năm 2013) xuống còn gần 20% (năm 2017). Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện vẫn đang dẫn trước khá xa trong việc nắm bắt và tận dụng xu hướng dịch chuyển này, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp có vốn Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc có nhiều năm kinh nghiệm.
Vậy nên, nếu xu hướng này vẫn tiếp tục mạnh lên, thì việc doanh nghiệp trong nước tự đổi mới, tìm tòi cơ hội, tự giảm bớt những khó khăn nội tại để có thể cạnh tranh tốt hơn là điều cần thiết, chưa kể ngay cả trong xu hướng chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn, Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp gia công, sản xuất giày dép xuất khẩu từ Indonesia, Ấn Độ, Myanmar... để giành được các dự án, hợp đồng.
Vi Lâm