"Nông dân nhỏ" là khái niệm mà TS.Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đề cập tại một diễn đàn nông nghiệp lớn tổ chức ở Việt Nam vào đầu tháng 6. Theo ông Sơn, khá nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế gọi nông dân Việt Nam là "nông dân nhỏ" bởi quy mô chăn nuôi quá manh mún và nhỏ bé.
“Nông dân nhỏ” là khái niệm mà TS.Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đề cập tại một diễn đàn nông nghiệp lớn tổ chức ở Việt Nam vào đầu tháng 6. Theo ông Sơn, khá nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế gọi nông dân Việt Nam là “nông dân nhỏ” bởi quy mô chăn nuôi quá manh mún và nhỏ bé.
Trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành cấp cao Central Group (Thái Lan), cũng đưa ra ý kiến tương đồng, với những số liệu so sánh về quy mô chăn nuôi của nông dân Việt Nam và nông dân Thái Lan. Thực tế khoảng cách này khá xa khi 70% nông hộ Thái Lan có quy mô nuôi từ 5 ngàn con gà trở lên, trong khi Việt Nam, số hộ nuôi trên 1 ngàn con gà chỉ chiếm 0,2% số nông hộ, và quy mô từ 100 đến dưới 1 ngàn con chiếm 3%.
Cũng tương tự như trồng trọt, khi quy mô nuôi trồng quá nhỏ bé, sẽ rất khó để ứng dụng bất kỳ một phương pháp hay kỹ thuật nào vào sản xuất để cho ra sản phẩm có chất lượng đồng đều. Chẳng hạn, ông A nuôi 500 con gà và áp dụng phương pháp X, hàng xóm ông A là ông B nuôi 500 con áp dụng phương pháp Y, khi doanh nghiệp xuất khẩu mua sản phẩm từ ông A và ông B, các lô hàng đã chênh lệch nhau từ chất lượng đến trọng lượng, thậm chí màu sắc, các chất tồn dư…Chưa kể, chỉ khi áp dụng trên quy mô lớn thì công nghệ hay kỹ thuật canh tác mới có giá thành rẻ, còn nếu chỉ áp dụng theo quy mô nhỏ từng hộ thì giá thành cao, dẫn đến giá bán sản phẩm cũng cao theo và khó lòng cạnh tranh được với sản phẩm từ các vùng sản xuất lớn. Sự manh mún nhỏ lẻ mỗi người mỗi kiểu khiến cho hầu hết nông hộ rất khó kết nối được với nhau ở khâu tiêu thụ, do đó đành phụ thuộc vào thương lái, bán với giá rẻ để xuất đi những thị trường còn dễ tính, chịu chấp nhận những lô hàng có phẩm chất trung bình, không đồng nhất.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 9,2 triệu nông dân và hầu hết đều chăn nuôi, trồng trọt với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sản phẩm hầu như chưa thể cạnh tranh với sản phẩm của nông dân Thái Lan, Trung Quốc hoặc các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển khác.
Những năm gần đây, nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành một xu hướng lớn, áp dụng ở nhiều vùng sản xuất tập trung nhiều trang trại có quy mô lớn. Đó là tín hiệu đáng mừng, song có lẽ chừng nào mà tư duy sản xuất người nông dân vẫn còn nhỏ lẻ, quanh quẩn và thiếu đi sự hợp tác liên kết, thì xét về mặt bằng chung, sản phẩm vẫn chưa thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu trên thị trường. Có lẽ tương tự với việc “dồn điền đổi thửa” trong trồng trọt, với chăn nuôi, những người làm chính sách cũng nên nghiên cứu để có cơ chế giúp nông dân cùng nhau bắt tay thành lập các trang trại lớn hơn.
Vi Lâm