Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai chi hơn 2 tỷ USD nhập hóa chất

08:06, 21/06/2018

Mỗi năm, các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai phải chi hơn 2 tỷ USD nhập khẩu hóa chất, sản phẩm từ hóa chất để sản xuất. Vì thế, đây là lĩnh vực còn rộng cửa cho các DN đầu tư vào bởi những công ty có dùng hóa chất, sản phẩm từ hóa chất đều muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước.

Mỗi năm, các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai phải chi hơn 2 tỷ USD nhập khẩu hóa chất, sản phẩm từ hóa chất để sản xuất. Vì thế, đây là lĩnh vực còn rộng cửa cho các DN đầu tư vào bởi những công ty có dùng hóa chất, sản phẩm từ hóa chất đều muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước.

Lĩnh vực giày dép cần nhiều hóa chất cho sản xuất. Trong ảnh: Công nhân sản xuất giày dép tại Công ty cổ phần sản xuất giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa).
Lĩnh vực giày dép cần nhiều hóa chất cho sản xuất. Trong ảnh: Công nhân sản xuất giày dép tại Công ty cổ phần sản xuất giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa).

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, hóa chất là mặt hàng các DN trên địa bàn đang phải nhập siêu với số lượng lớn hơn 1,4 tỷ USD/năm (đã trừ 600 triệu USD xuất siêu hóa chất). Muốn hưởng các ưu đãi về thuế quan các DN phải sử dụng nguyên liệu trong nước để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

* Nhu cầu tăng nhanh

Nhiều ngành sản xuất ở Đồng Nai rất cần sử dụng hóa chất như: giày dép, mũ, dệt may, xơ sợi dệt, sản xuất máy móc, phụ tùng, sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ sắt thép...Với trị giá của ngành công nghiệp tăng 8,5%/năm cùng với các nhà máy liên tục tăng vốn mở rộng sản xuất thì nhu cầu về các loại hóa chất cũng tăng theo. Bình quân mỗi năm nhập khẩu hóa chất, sản phẩm từ hóa chất tăng trên 18%, có những năm tăng hơn 20%.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, các DN Đồng Nai đã chi khoảng 1 tỷ USD để nhập  hóa chất, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hóa chất khoảng 300 triệu USD.

Ông Lâm Thế Kiên, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần mạ kẽm công nghiệp Vingal ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), cho biết: “Có một số công đoạn mạ kẽm sản phẩm của công ty phải dùng hóa chất. Loại hóa chất này phải nhập khẩu từ Đức vì trong nước chưa tìm được nhà cung cấp phù hợp”.

Tìm hiểu tại những công ty sản xuất giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ... nhu cầu về hóa chất cho một số công đoạn trong hoàn thiện sản phẩm ngày càng nhiều. Chủng loại của hóa chất cho từng ngành, lĩnh vực sản xuất cũng rất đa dạng. Do đó, nếu nguồn nguyên liệu trong nước đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh thì rất dễ tìm được đối tác mua sản phẩm.

Đại diện Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) cho hay: “Mỗi tháng công ty phải nhập khẩu nhiều hóa chất để phục vụ cho một số công đoạn trong sản xuất sợi xuất khẩu, nên sản lượng sợi tăng thì nhu cầu về hóa chất cũng tăng. Công ty muốn tìm nguồn hóa chất trong nước để bớt phải vận chuyển và chủ động hơn trong sản xuất”. Hiện mỗi tháng Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, Công ty TNHH nhựa và hóa chấp TPC Vina, Công ty TNHH một thành viên Concord Textile Corporation Việt Nam chi hàng chục triệu USD để nhập khẩu các loại hóa chất từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

* Kết nối cung cầu

Mỗi năm các DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu hơn 600 triệu USD các loại hóa chất sang 50 nước. Thị trường xuất khẩu lớn là Nhật Bản, Campuchia, Hoa Kỳ, Nga, Thái Lan, Đức. Tỷ lệ xuất khẩu hóa chất tăng trưởng khá cao, trên 18%/năm, sản phẩm hóa chất xuất khẩu cũng đa dạng. Những DN có kim ngạch xuất khẩu hóa chất lớn là: Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, Công ty TNHH hóa chất LG Vina (Khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Nhơn Trạch) Công ty TNHH Hiang Kie Industries (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành), Công ty TNHH Sanher Việt Nam (huyện Nhơn Trạch).

Các công ty sản xuất hóa chất tại Đồng Nai bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu thì nhiều DN cũng bắt đầu chú ý đến thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Trí, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH công nghệ hóa chất Haein ở Khu công nghiệp Gò Dầu, cho biết: “Công ty chuyên sản xuất hóa chất cho ngành gỗ. Trước đây, công ty có xuất khẩu sang một số nước trong ASEAN, nhưng gần đây nhu cầu trong nước lớn nên đổi chiến lược tập trung sản phẩm cho thị trường nội địa”. Thị trường trong nước đang là mảnh đất “màu mỡ” cho DN trong lĩnh vực này khai thác. Tuy nhiên, muốn trở thành nhà cung ứng cho các DN nước ngoài lẫn trong nước, các DN hóa chất phải đa dạng sản phẩm hơn nữa, đồng thời đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, các DN cũng chủ động tìm đối tác giới thiệu sản phẩm của mình.

Theo ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, hàng năm tỉnh đều tổ chức xúc tiến thương mại ở nước ngoài để hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu; xúc tiến thương mại trong tỉnh nhằm kết nối DN Việt với DN nước ngoài trên địa bàn Đồng Nai để bán sản phẩm cho nhau, giảm nhập khẩu. “Thời gian qua, tỉnh tổ chức được một số đợt xúc tiến thương mại cho DN trong nước với DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Qua đó, một số DN đã tìm được đối tác ký kết hợp đồng mua bán nguyên liệu. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục mở những hội nghị giao thương cho DN trong nước và nước ngoài nhằm mở rộng tiêu thụ nội địa” - ông Dũng nói.

Các DN trên lĩnh vực hóa chất có thể liên hệ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Sở Công thương cung cấp các thông tin mặt hàng để giới thiệu đến các DN khác đang có nhu cầu. Đây sẽ là kênh giúp DN quảng bá mở rộng thị trường nội đầy tiềm năng.

Hương Giang

Tin xem nhiều