Thông tin từ Sở Công thương, trong tháng 5-2018, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chi khoảng 98 triệu USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước.
* Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh
Thông tin từ Sở Công thương, trong tháng 5-2018, các doanh nghiệp trong tỉnh đã chi khoảng 98 triệu USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng đột biến là do từ cuối tháng 4-2018 giá heo hơi bắt đầu tăng cao, nhiều doanh nghiệp, trang trại tăng đàn. Ngoài ra, các trang trại nuôi gà thịt cũng tăng đàn với số lượng lớn nên nhu cầu về thức ăn cho gia súc và nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tăng cao.
Tính 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Đồng Nai nhập khẩu gần 380 triệu USD thức ăn gia súc và nguyên liệu. Đồng Nai là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhất cả nước. Thức ăn gia súc và nguyên liệu Đồng Nai chủ yếu nhập siêu.
Uyển Nhi
* Phải thu hồi hơn 1.500 hécta đất để triển khai 197 dự án
Tin từ Sở Tài nguyên - môi trường cho biết trên địa bàn tỉnh đang triển khai khoảng 197 dự án có tổng diện tích hơn 1.600 hécta. Để thực hiện các dự án trên phải thu hồi hơn 1.500 hécta đất. Đây hầu hết là các dự án lớn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận địa điểm hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hiện các chủ đầu tư đang hoàn thiện các hồ sơ để thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất để triển khai dự án. Việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ cho dự án mất rất nhiều thời gian nên đến nay các dự án trên đều chưa hoàn thành được việc thu hồi đất. Có những dự án việc thu hồi đất kéo dài 6-10 năm khiến dự án bị chậm lại.
Khánh Minh
* Hơn 1.500 hécta tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, do thời tiết chuyển sang mùa mưa, xuất hiện nhiều cơn mưa lớn nên độ ẩm cao dẫn đến hơn 1.500 hécta tiêu trên địa bàn tỉnh bị bệnh chất nhanh, chết chậm. Trong đó, hơn 1.300 hécta tiêu bị bệnh chết chậm và hơn 210 hécta bị bệnh chết nhanh.
Bệnh trên cây tiêu nhiều còn do thời gian qua giá hạt tiêu xuống quá thấp các nhà vườn không chú ý nhiều đến việc đầu tư thoát nước, tỉa bỏ những nhánh cây già, sâu bệnh, giảm đầu tư. Đồng Nai hiện có gần 18 ngàn hécta tiêu, vượt so với quy hoạch đến năm 2020 gần 8 ngàn hécta. Tuy nhiên, gần đây giá tiêu xuống thấp, dịch bệnh nhiều nên nhiều nhà vườn đã chặt bỏ tiêu để trồng cây khác.
Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, để hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, nông dân nên thoát nước tốt cho vườn cây, bổ sung phân bón hữu cơ, dùng các chế phẩm sinh học phòng chữa bệnh cho cây.
Nguyệt Hạ