Hơn 1 tháng nay, giá heo hơi tăng dần và hiện đã chạm mức kỷ lục giá cao trong vòng nhiều năm trở lại đây với mức từ 50-52 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên theo giới thương lái, sự tăng giá của thị trường heo hơi có nhiều dấu hiệu bất thường.
Hơn 1 tháng nay, giá heo hơi tăng dần và hiện đã chạm mức kỷ lục giá cao trong vòng nhiều năm trở lại đây với mức từ 50-52 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên theo giới thương lái, sự tăng giá của thị trường heo hơi có nhiều dấu hiệu bất thường.
Giá heo thịt tăng kéo theo heo giống cũng sốt giá. Trong ảnh: Trại heo giống của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). |
Giá heo hơi cao ngất ngưởng như hiện nay được cho là lý tưởng để tái đàn, tăng đàn. Nhưng thực tế, đây là cơ hội của doanh nghiệp, chủ trang trại lớn vì người chăn nuôi nhỏ lẻ đã không còn vốn để đầu tư.
* Nông dân không thể “làm giá”
Theo các thương lái, trước đây giá heo hơi của các doanh nghiệp, tập đoàn luôn cao hơn một ít so với heo mua ngoài dân. Tuy nhiên, trong giai đoạn heo sốt giá hiện nay, giá heo hơi thường tăng ở khu vực chăn nuôi tư nhân rồi các doanh nghiệp lớn mới điều chỉnh theo. Cụ thể, những ngày cuối tháng 5 thị trường xôn xao vì giá heo hơi tăng lên mức mới từ 50-52 ngàn đồng/kg, theo đó các công ty cũng điều chỉnh giá heo tăng lên 48-49 ngàn đồng/kg nhưng thấp hơn giá thị trường bên ngoài. Thực tế, không mấy trại chăn nuôi nhỏ lẻ bán được với giá heo hơi trên 50 ngàn đồng/kg.
Ông Phạm Văn Đạo, chủ trang trại nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Mức giá 52 ngàn đồng/kg chỉ là tin đồn vì tôi đầu tư nuôi heo trại lạnh, heo đạt chất lượng tốt, nhưng giá heo bán ra chỉ từ 46-48 ngàn đồng/kg, thấp hơn so với giá chuẩn của các công ty lớn. Tuy với giá này người chăn nuôi đã đạt lợi nhuận tốt, nhưng ở đây chưa trại nào tăng đàn, tái đàn vì mỗi lứa heo thịt phải nuôi ít nhất vài tháng mới cho thu hoạch, lúc đó thị trường heo hơi biến động ra sao rất khó biết”.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, khuyến cáo: “Người chăn nuôi không nên vội vã tái đàn khi thấy heo sốt giá vì giá biến động hiện nay chỉ là tạm thời. Về lâu dài, giá heo trong nước phải căn cứ vào mặt bằng chung trong khu vực để ổn định lại nếu không thịt ngoại sẽ tràn về”. |
Chỉ ra những rủi ro của việc các trại nuôi trữ heo chờ giá tốt hơn, ông Hoàng Văn Tham, chủ Cơ sở giết mổ Lifsap Hoàng Văn Tham (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), nhận xét: “Thấy heo hơi đang đà tăng giá, một số người nuôi có tâm lý giữ lại đàn chờ giá lên đỉnh mới xuất bán. Nhưng việc trữ heo này cũng có nhiều rủi ro vì “kịch bản” trữ heo chờ giá sốt rồi sau đó bán đổ bán tháo đã từng tái diễn nhiều lần trên thị trường”. Cũng theo ông Tham, tuy dư luận cho rằng giá heo tăng do khan hàng nhưng thực tế nguồn cung heo từ các doanh nghiệp vẫn rất dồi dào, đặt bao nhiêu cũng có. Trong khi đó, kênh tiêu thụ đang giảm dần vì thịt heo tăng quá cao, người tiêu dùng ưu tiên chọn loại thực phẩm khác có giá rẻ hơn.
Giá heo hơi tăng đột biến đẩy giá heo giống thương phẩm, heo hậu bị tăng gấp đôi so với thời điểm heo hơi rớt giá. Cụ thể, giá con giống hậu bị hiện khoảng 7 triệu đồng/con (giá bán cuối năm 2017 chưa đến 4 triệu đồng/con). Con giống thương phẩm đang được tính trên 90 ngàn đồng/kg, tương đương cả triệu đồng/con trong khi trước đó, con giống chỉ bán từ 400-500 ngàn đồng/con vẫn không ai mua. Hiện nguồn cung con giống ra thị trường cũng chủ yếu của các công ty lớn.
* Chăn nuôi nhỏ lẻ khó tái đàn
Heo hơi sốt giá, nhưng ông Nguyễn Ngọc Quang, nông dân tại xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), vẫn treo chuồng và không có ý định tái đàn. Ông Quang chia sẻ: “Tôi bỏ nuôi heo từ cuối năm ngoái. Dù hiện nay heo hơi sốt giá trở lại nhưng tôi không còn vốn để tái đầu tư, các đại lý cám cũng không cho mua gối đầu đến khi bán heo mới trả như trước. Mặt khác, thời điểm này đầu vào của chăn nuôi heo rất cao vì giá giống, giá thức ăn đều tăng chóng mặt nên các trại chăn nuôi nhỏ lẻ chả mấy ai còn bàn đến việc tái đàn heo”.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chỉ ra: “Người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện đang đứng ngoài cuộc chơi vì dù heo hơi sốt giá họ cũng không còn heo để bán; có muốn tái đàn cũng không còn vốn để đầu tư. Không chỉ thị trường heo thịt, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng đang làm chủ về nguồn cung heo giống hậu bị và heo giống thương phẩm vì ngay cả các trại giống lớn của tư nhân cũng không còn con giống để xuất bán”.
Cùng quan điểm, ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trường Giang (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), hiện đang cung cấp từ 70-80 tấn heo pha lóc/ngày ra thị trường, nhận định: “Giá heo tăng liên tục, doanh nghiệp giết mổ, phân phối thịt heo pha lóc như chúng tôi đang phải bù lỗ. Về lâu dài, thị trường sẽ không chấp nhận mức giá này vì quá cao so với mặt bằng chung của thế giới”. Ông Tư cho rằng người chăn nuôi không nên nhìn vào mức giá hiện nay để vội vã tái đàn mà phải tính toán kỹ theo hướng chăn nuôi bền vững để giảm giá thành sản xuất, tham gia vào chuỗi liên kết... Vì chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sẽ không thể cạnh tranh được với các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ.
Căn cứ trên kết quả khảo sát về tình hình chăn nuôi gần đây của Cục Chăn nuôi, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, cho biết: “Chăn nuôi hộ nhỏ lẻ đã giảm đàn mạnh và đang có sự chuyển hướng các doanh nghiệp đầu tư tăng đàn với quy mô lớn. Tuy nhiên, sẽ khó xảy ra tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm thị phần chăn nuôi lớn thao túng giá vì hiện nay là thị trường mở. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang đầu tư mạnh vào chăn nuôi để tăng lợi thế cạnh tranh”.
Bình Nguyên