Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi trên 23 triệu USD để nhập các loại thịt heo, bò, gà về tiêu thụ trong nước. Và trong tháng 3, con số này nhảy vọt lên gần 38 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với tháng 2-2018.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi trên 23 triệu USD để nhập các loại thịt heo, bò, gà về tiêu thụ trong nước. Và trong tháng 3, con số này nhảy vọt lên gần 38 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với tháng 2-2018. Không thể phủ nhận, những tác động từ các hiệp định thương mại tự do đã và đang chứng minh “sức nặng” bằng những con số rất cụ thể mà ngành nông nghiệp không thể làm ngơ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017 Việt Nam đã chi gần 527 triệu USD (tương đương 12 ngàn tỷ đồng) để nhập khẩu các sản phẩm về thịt, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là trâu, bò sống và thịt trâu, bò. Còn theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, ước tính trong cả năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 6,5 ngàn tấn thịt heo các loại, hơn 81,4 ngàn tấn thịt gia cầm và trên 262,3 ngàn con trâu, bò sống, khối lượng nhập khẩu các loại thịt khác đạt gần 41,5 ngàn tấn.
Tuy nhiên, những con số này mới chỉ là bề nổi, điều cốt lõi quan trọng hơn là giá thành sản xuất của các loại thịt sản xuất trong nước hiện đang trong tình trạng không thể cạnh tranh nổi với thịt nhập khẩu. Tính toán dựa trên kim ngạch và khối lượng thịt nhập khẩu thực tế cho thấy giá thịt trâu, bò nhập khẩu về Việt Nam chỉ ở mức trên dưới 100 ngàn đồng/kg, trong khi giá bán buôn thịt trâu, bò trong nước luôn trên mức 200 ngàn đồng/kg. Tính bình quân 1kg thịt heo - bò - gà nhập khẩu (lấy kim ngạch chia khối lượng nhập) thì giá bình quân 1kg thịt nhập chỉ khoảng 35-36 ngàn đồng, trong khi giá thịt heo bán lẻ bình quân thực tế tại Việt Nam là 80-90 ngàn đồng/kg; thịt gà bình quân 40-60 ngàn đồng/kg; thịt trâu, bò bình quân 200-300 ngàn đồng/kg…
Chính vì chênh lệch về giá quá lớn, nên trong hệ thống các nhà hàng, quán ăn, khách sạn..., thịt trong nước đang dần dần phải nhường sân chơi lại cho các loại thịt nhập khẩu, bởi không chỉ đắt hơn về giá, mà thịt trong nước chưa thực sự thuyết phục về nhãn mác, thương hiệu hay những cam kết về chất lượng dù nhìn bề ngoài vẫn tươi ngon. Trong khi đó, thịt nhập khẩu chính ngạch từ Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Hà Lan... thường đảm bảo các yếu tố nói trên.
Về sâu xa, đây chính là hệ quả của một nền chăn nuôi có năng suất thấp, những đánh giá chính thức lẫn không chính thức cho thấy năng suất ngành chăn nuôi Việt Nam chỉ ở mức 30% so với các quốc gia có chăn nuôi phát triển, chẳng hạn Hoa Kỳ. Các yếu tố: giống, kỹ thuật của Việt Nam yếu hơn đã đành, nhưng cốt lõi chính là việc phụ thuộc quá nhiều vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất 1kg thịt trong nước luôn cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất 1kg thịt tại các quốc gia có nền chăn nuôi phát triển.
Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã và đang sắp có hiệu lực, dự đoán cuộc chiến cạnh tranh về giá trong lĩnh vực chăn nuôi những năm tới sẽ còn rất khốc liệt, và nếu không nhanh chóng thay đổi để rút ngắn khoảng cách về giá, thì chăn nuôi sẽ trở thành lĩnh vực yếu thế và dễ bị tổn thương nhiều nhất ngay tại sân nhà như nhiều chuyên gia dự báo.
Vi Lâm