Báo Đồng Nai điện tử
En

Bên trọng, bên khinh?

08:05, 22/05/2018

Một nghịch lý phổ biến là Việt Nam hiện có nhiều vùng sản xuất nông sản an toàn theo chuẩn GlobalGAP, nông sản theo hướng hữu cơ chuẩn quốc tế... song hầu hết là hướng đến thị trường xuất khẩu thay vì tập trung cho thị trường trong nước.

Một nghịch lý phổ biến là Việt Nam hiện có nhiều vùng sản xuất nông sản an toàn theo chuẩn GlobalGAP, nông sản theo hướng hữu cơ chuẩn quốc tế... song hầu hết là hướng đến thị trường xuất khẩu thay vì tập trung cho thị trường trong nước.

Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước, mà điển hình là tại các đô thị, lại bỏ ra rất nhiều tiền để mua nông sản ngoại nhập vì cho rằng an toàn hơn so với nông sản nội địa. Vòng luẩn quẩn này tồn tại từ nhiều năm nay và có xu hướng trầm trọng hơn khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào hội nhập.

Điều này khác với nhiều quốc gia phát triển, điển hình như Nhật Bản. Mục tiêu của sản xuất trong nước của Nhật Bản là người dân trong nước phải là đối tượng thụ hưởng chính, được hưởng thụ hàng hóa nội địa rẻ và tốt nhất, sau đó mới đến xuất khẩu. Còn tại Việt Nam có vẻ các nhà sản xuất, trong đó có sản xuất nông sản, lại không coi thị trường trong nước là đối tượng xứng đáng được hưởng những mặt hàng tốt nhất, bằng chứng là những gì chất lượng nhất lại thường được đem đi xuất khẩu.

TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, từng nói về nghịch lý này. Theo đó, Việt Nam hiện nay không thiếu doanh nghiệp đầu tư sản xuất những vùng rau, trái có chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu. “Doanh nghiệp nước ta còn coi nhẹ thị trường nội địa. Đừng nghĩ chỉ làm nông sản sạch để xuất khẩu. Chính vì nghĩ như vậy nên chúng ta thua ngay trên sân nhà vì người tiêu dùng đang bỏ tiền mua gạo, thịt, trái cây nhập khẩu do không tin tưởng chất lượng nông sản trong nước” - ông Nghĩa nói.

Nhìn lại, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt trên 36 tỷ USD và đây thực sự là một nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp trong nước, song kim ngạch nhập khẩu các loại nông sản cũng đã gần 28 tỷ USD (tính theo số lượng nhập khẩu chính ngạch). Theo dự đoán, chỉ trong vài năm tới khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết có hiệu lực, hàng trăm dòng thuế giảm về 0% thì nông sản ngoại nhập với các ưu điểm: rõ ràng minh bạch về nguồn gốc chất lượng và giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường trong nước. Kênh xuất khẩu vẫn sẽ mở rộng, song với các doanh nghiệp và nông dân, một thị trường với hơn 90 triệu dân trong nước, rõ ràng nên là một mục tiêu lớn và lâu dài cần chinh phục.

Mấy năm nay, nhiều cuộc “giải cứu” nông sản được phát động từ chuối, cà chua, củ cải, ớt, dưa hấu... với mong muốn người tiêu dùng trong nước chia sẻ với nông dân khi hàng không bán được qua Trung Quốc. Nhìn ở góc độ người tiêu dùng, hẳn ai cũng thấy một chút gì như “thiếu sòng phẳng” khi nông sản không xuất khẩu được thì mới kêu gọi người tiêu dùng trong nước giải cứu, trong khi bình thường cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều thiếu một chiến lược lâu dài trong việc đầu tư sản xuất nông sản sạch cho sân nhà mà chỉ “lăm le” xuất khẩu. Tóm lại, có lẽ những người làm nông sản nên nhìn nhận lại một cách khách quan hơn, công bằng và dài hạn hơn về việc chinh phục người tiêu dùng trong nước bằng sản phẩm chất lượng chứ không chỉ tập trung cho xuất khẩu như những năm qua, trước khi sân nhà bị “mất”.

Vi Lâm

Tin xem nhiều