Hiện nay, Đồng Nai có gần 14 ngàn hécta đất công và đa phần do UBND cấp xã quản lý. Việc quản lý đất công còn những hạn chế như: kê khai, đăng ký chưa chặt chẽ, cắm mốc bàn giao cho cấp xã chưa đầy đủ, cho thuê, mượn còn nhiều...
Hiện nay, Đồng Nai có gần 14 ngàn hécta đất công và đa phần do UBND cấp xã quản lý. Việc quản lý đất công còn những hạn chế như: kê khai, đăng ký chưa chặt chẽ, cắm mốc bàn giao cho cấp xã chưa đầy đủ, cho thuê, mượn còn nhiều...
Một khu đất công tại huyện Vĩnh Cửu cho thuê sản xuất nông nghiệp. |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, đất công cho thuê, mượn hiện gần 1.200 hécta; đất bị lấn chiếm, tranh chấp gần 1 ngàn hécta. Hiện nay, đất đai ngày càng có giá trị nếu không quản lý tốt đất công sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng bị lấn, chiếm và tranh chấp.
* Gần 1 ngàn hécta bị lấn chiếm, tranh chấp
Những địa phương trong tỉnh có diện tích đất công bị lấn chiếm, tranh chấp nhiều là Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom.
Để quản lý, khai thác tốt quỹ đất công nhằm tạo nguồn vốn phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì thực hiện phương án quản lý và khai thác sử dụng quỹ đất công trên địa bàn tỉnh. Nhưng đến nay, phương án này đang được Sở Tài nguyên - môi trường cùng với các huyện rà soát, thống nhất lại số liệu quỹ đất công. |
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho rằng đất công chủ yếu giao cho UBND cấp xã quản lý và việc quản lý không chặt chẽ dẫn đến tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp nhiều. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đa số đất công có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đơn vị quốc phòng bàn giao lại. Công tác rà soát, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cắm mốc, bàn giao cho cấp xã chưa kịp thời. Nhiều địa phương khẳng định đất công khi giao về cho cấp xã quản lý đã bị lấn chiếm, tranh chấp và dân đã ở gần kín.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Tấn Long cho hay: “Khi Biên Hòa được bàn giao gần 6 hécta đất quốc phòng ở phường Long Bình về rất mừng, vì nghĩ sẽ có thêm đất công để làm tái định cư cho những công trình hạ tầng của thành phố. Tuy nhiên, khi xuống kiểm tra thực tế đất đã bị lấn chiếm và dân ở gần hết”. Cũng theo ông Long, việc thu hồi đất lấn chiếm, tranh chấp rất khó khăn.
Ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, bày tỏ lo lắng: “Với những diện tích đất công là đất rừng nên tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhanh để các chủ rừng quản lý. Với những đất rừng cho người dân nhận thuê khoán phải làm rõ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tránh bị tranh chấp”. Cũng theo ông Tăng, nếu tình trạng trên cứ để lơ lửng không rõ ràng, các chủ rừng rất khó quản lý đất công và dễ xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp.
* Khai thác tốt để có thêm vốn
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành, quỹ đất công trên địa bàn tỉnh khá lớn, những diện tích nào có thể khai thác nên sớm giao về cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, đấu giá. Khai thác tốt quỹ đất công sẽ tạo ra nguồn vốn lớn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tương tự, ông Phạm Việt Phương, Phó giám đốc phụ trách, điều hành Sở Kế hoạch - đầu tư, đề xuất đất công được rà soát cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công bố rõ ràng để công tác quản lý chặt chẽ, tránh tranh chấp, lấn chiếm. Đồng thời khi các chủ đầu tư thực hiện dự án lấy vào đất công sẽ biết trước để thực hiện đấu thầu. Thời gian qua có không ít dự án đang triển khai thuận lợi nhưng khi phát hiện có sử dụng vào đất công đã phải ách lại chờ giải quyết khiến dự án chậm lại rất khó khăn cho doanh nghiệp. “Đồng Nai có một số dự án hạ tầng trọng điểm cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư theo hình thức đối tác công - tư mới thực hiện được. Vì thế, tỉnh sẽ phải có sẵn những khu đất công sạch có lợi thế đưa ra đấu thầu, đổi đất lấy hạ tầng để có vốn đầu tư” - ông Phương nói.
Đến thời điểm này, đất công giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý khai thác hơn 613 hécta, nhưng trong đó chỉ gần 75 hécta đất đang khai thác được. Diện tích đất còn lại đang tranh chấp, lấn chiếm chưa xử lý được hoặc đất của các mỏ đá khai thác xong sâu từ vài chục đến cả trăm mét chưa có khả năng khai thác.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường cùng với các địa phương rà soát lại quỹ đất công, hoàn chỉnh phương án quản lý khai thác quỹ đất công. Trong đó phân ra những thửa đất công có lợi thế đưa ra đấu thầu để lấy vốn đầu tư phát triển kinh tế. Đối với đất nông, lâm trường đang cho người dân thuê, khoán thì kiểm tra lại xem đất nào có thể cho thuê tiếp, đất nào cần thu hồi giao lại cho các nông, lâm trường quản lý. Các diện tích đất công đã xác định rõ phải cắm mốc, tiến hành cấp giấy để việc quản lý được chặt chẽ.
Hương Giang