Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 177 ngàn hécta cây lâu năm, tăng hơn 4 ngàn hécta so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lâu năm chủ yếu tăng ở cây ăn trái như: bưởi, chuối, thanh long, sầu riêng...
* Tăng hơn 4 ngàn hécta cây lâu năm
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 177 ngàn hécta cây lâu năm, tăng hơn 4 ngàn hécta so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lâu năm chủ yếu tăng ở cây ăn trái như: bưởi, chuối, thanh long, sầu riêng... Hiện nay, Đồng Nai là một trong 4 tỉnh phía Nam có diện tích cây ăn trái lớn nhất. Diện tích cây công nghiệp lâu năm tăng ít là do nhiều người dân chặt bỏ cây tiêu vì giá liên tiếp hạ thấp trong hơn 2 năm liền. Bên cạnh đó, diện tích cây điều cũng giảm nhanh do sâu bệnh và năng suất thấp nên lợi nhuận nông dân thu được không cao.
Hiện nay, những cây ăn trái đang cho thu nhập cao được nhiều nông dân chuyển đổi cây hàng năm và cây công nghiệp lâu năm sang trồng là bưởi da xanh, cam, sầu riêng.
Uyển Nhi
* Cho vay xuất nhập khẩu tăng cao nhất
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, đến cuối tháng 5-2018 dư nợ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh vay là hơn 27,8 ngàn tỷ đồng, tăng gần 31% so với cuối năm 2017. Đây là lĩnh vực cho vay có mức tăng cao nhất và hiện đang chiếm hơn 16% trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh. Trong đó cho vay với các doanh nghiệp xuất khẩu gần 11,5 ngàn tỷ đồng, còn lại là cho vay nhập khẩu hàng hóa.
Các doanh nghiệp ở Đồng Nai phần lớn vay vốn để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất thành sản phẩm để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Ngoài ra cũng có các doanh nghiệp vay vốn để nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ mới để nâng cấp, thay đổi dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất hàng hóa.
H.G