Sau khi tăng mạnh suốt mấy tuần qua, hiện giá heo hơi vẫn ổn định ở mức từ 40-43 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi heo đã có thể thu lợi nhuận tốt...
Giá heo hơi sau khi tăng mạnh suốt mấy tuần qua hiện vẫn ổn định ở mức từ 40-43 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đã thu lợi nhuận tốt. Vì sau đợt khủng hoảng thừa vừa qua, người chăn nuôi đã tập trung cải tiến quy trình đầu tư con giống đến chăm sóc nhằm giảm giá thành để tồn tại.
Heo hơi sốt giá nhưng người chăn nuôi vẫn e dè tái đàn. Ảnh chụp tại trại chăn nuôi ở huyện Cẩm Mỹ. |
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá heo hơi đang cho mức lợi nhuận tốt nhưng người chăn nuôi nên cẩn trọng việc tăng đàn.
*
Chú trọng tăng “chất”2 năm trước khi thị trường heo hơi sốt giá, ông Phạm Văn Đạo, chủ trang trại tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), không chạy theo phong trào để tăng đàn mà thậm chí giảm bớt sản lượng heo thịt. Cuối năm 2017 khi giá thịt heo hơi rơi chạm đáy, giá heo hậu bị cũng giảm mạnh, ông Đạo lại chủ động bán đàn nái già cỗi và tăng đàn nái hậu bị. Đến nay, ông Đạo đã có đàn nái mới hứa hẹn cho những lứa sinh sản tốt.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột hiện nay, người chăn nuôi nên chú trọng công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại... để tránh dịch bệnh bùng phát. Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cũng đang đồng loạt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch về các địa phương. |
Ông Đạo chia sẻ: “Tôi đầu tư trại lạnh nên giá thành sản xuất chỉ từ 32-33 ngàn đồng/kg. Heo hơi chỉ cần đạt mức khoảng 40 ngàn đồng/kg là đã đảm bảo lợi nhuận tốt để theo nghề chăn nuôi. Ngày nay, chăn nuôi muốn cạnh tranh được không thể trông chờ giá heo sẽ đảo chiều tăng cao trở lại mà phải tính toán chi li để có giá thành cạnh tranh nhất”.
Với những trang trại chăn nuôi nhỏ, lẻ thì việc liên kết sản xuất theo chuỗi an toàn đang thể hiện rõ ưu thế với người nuôi. Nhờ Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) hỗ trợ nông dân máy trộn thức ăn, hầm biogas, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi mới... góp phần giảm chi phí đầu vào, hạn chế rủi ro dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Lợi thế lớn nhất khi tham gia các tổ chăn nuôi GAHP là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ liên kết lại với nhau, heo an toàn được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường. Dù thời gian qua chăn nuôi heo gặp rất nhiều khó khăn nhưng các thành viên trong tổ hợp tác vẫn nỗ lực giữ đàn”.
Chọn nuôi heo đặc sản nhắm vào thị trường ngách lại là giải pháp khác của một số nông dân để đạt lợi nhuận tốt khi ngành chăn nuôi gặp khó khăn.
Ông Ngô Bá Bản, nông dân tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ), cho biết: “Tôi tận dụng đất vườn có sẵn trồng thêm rau, bắp để nuôi giống heo lai rừng. Khi thị trường thịt heo khủng hoảng, heo lai rừng cũng bị ảnh hưởng, không còn cho lãi khủng như trước nhưng tôi không lo lỗ vốn”.
* Lo phòng dịch khi chuyển mùa
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhận định: “Người chăn nuôi không nên vội vã tăng đàn mà cần quan tâm cải tiến kỹ thuật, quy trình nuôi để giảm giá thành sản xuất. Nhất là trong giai đoạn giao mùa hiện nay rủi ro xảy ra dịch bệnh rất lớn, người nuôi cần tập trung công tác phòng trừ dịch bệnh”.
Theo các thương lái, sau vài ngày giá heo biến động, thị trường thịt heo hiện nay đã khá ổn định. Chỉ trong vài ngày giá tăng đột ngột, thương lái có gặp khó khăn trong nhập heo còn hiện nay nguồn cung đã dồi dào trở lại, nhất là nguồn heo do các công ty lớn cung cấp. Giá heo mỡ hiện thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, chỉ có 35-36 ngàn đồng/kg vì không có thị trường Trung Quốc tiêu thụ như trước. Đây là dấu hiệu cho thấy cán cân cung - cầu của thị trường thịt heo chưa quá mất cân đối. Theo đó, giá heo hơi có thể giữ ổn định ở mức hiện nay hoặc chỉ tiếp tục biến động nhẹ.
Bình Nguyên