Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhanh chân "đón" CPTPP

07:04, 03/04/2018

Theo Bộ Công thương, khoảng gần 1 năm nữa, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và ngay sau đó khoảng 90% dòng thuế xuất khẩu sẽ giảm về 0%...

Theo Bộ Công thương, khoảng gần 1 năm nữa Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, và ngay sau đó khoảng 90% dòng thuế xuất khẩu sẽ giảm về 0%. Do đó, doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị nhanh nếu không muốn bỏ qua những cơ hội vàng.

Dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi lớn vì thuế xuất khẩu giảm nhanh, song phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi lớn vì thuế xuất khẩu giảm nhanh, song phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Dự kiến cuối năm 2018, 6 nước thành viên sẽ tiến hành phê chuẩn các nội dung về CPTPP, khi đó hiệp định chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2019. Các nội dung của CPTPP không thay đổi nhiều so với các quy định của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đàm phán, nhưng vì Hoa Kỳ rút khỏi nên có 20 điều khoản sẽ được hoãn lại.

* Nới lỏng một số quy định

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, nhiều DN tỏ ra thất vọng vì mất đi một thị trường lớn, lợi ích cũng giảm, song 11 thành viên còn lại vẫn nhanh chóng hoàn tất đàm phán, ký kết và lấy tên là CPTPP. Tuy kém hấp dẫn hơn so với trước, nhưng CPTPP vẫn được đánh giá là một trong 3 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hấp dẫn nhất trong những hiệp định Việt Nam đã ký kết.

Hàng hóa của các nước thành viên CPTPP vào Việt Nam lộ trình cắt giảm thuế sẽ chậm hơn. Việt Nam sẽ cắt giảm 66% dòng thuế về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, giảm 86,5% dòng thuế sau 3 năm và giảm 97,8% dòng thuế sau 10 năm. Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu tối đa vào năm thứ 16.

Một số thị trường lớn của Việt Nam trong CPTPP sẽ xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực là: Canada gần 95% các dòng thuế, Nhật Bản 86%, Úc 93%, Chile 95,1%.

Hơn một nửa số thành viên trong CPTPP đang là thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Đồng Nai nên vấn đề các DN quan tâm là CPTPP sẽ có những điểm nào khác so với TPP để chuẩn bị.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, cho biết: “Các DN Đồng Nai rất quan tâm và cần thông tin về CPTPP, vì khi hiệp định có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”.

Ông Điềm cũng đề xuất UBND tỉnh thời gian tới nên tổ chức các buổi gặp gỡ giữa DN trong nước với DN nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh để kết nối cung ứng nguyên liệu cho nhau, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để hưởng những ưu đãi từ CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương, cho rằng có 8 điểm khác biệt giữa CPTPP và TPP là về đầu tư, sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, viễn thông, mua sắm chính phủ, dịch vụ qua biên giới, môi trường và các vấn đề liên quan đến văn hóa. Trong CPTPP, một số điều khoản trên sẽ tạm hoãn. Theo đó, các vấn đề trước đây DN lo lắng nhất về sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động sẽ được nới lỏng hơn TPP.

* Thuế xuất khẩu sẽ giảm nhanh

Khi CPTPP có hiệu lực, 78-95% hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các nước trong khối sẽ xóa bỏ thuế ngay. Những mặt hàng còn lại sẽ theo lộ trình xóa bỏ thuế sau 5-10 năm. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su sẽ có thuế giảm ngay về 0% sau khi hiệp định có hiệu lực.

Chăn nuôi sẽ là ngành bị tổn thương nhất khi tham gia CPTPP.
Chăn nuôi sẽ là ngành bị tổn thương nhất khi tham gia CPTPP.

Ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính, nhấn mạnh: “DN muốn hưởng được các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào 10 nước tham gia CPTPP thì ngay từ bây giờ phải nhanh chóng chuẩn bị những điều kiện để có thể đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Cụ thể như hàng dệt may phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa từ khâu sợi, còn nếu nhập khẩu nguyên liệu thì phải từ các nước trong khối”.

Theo ông Tùng, DN cần tìm hiểu rõ các quy định của CPTPP với ngành hàng mình đang sản xuất - kinh doanh, những vấn đề chưa hiểu có thể liên hệ với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để được hướng dẫn sớm. Thời gian để các DN chuẩn bị chỉ còn gần 1 năm, nếu bỏ qua cơ hội này DN không chỉ mất thị trường xuất khẩu lớn mà có khi còn mất cả thị trường trong nước.

 Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế (TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “Lợi ích của CPTPP không bằng TPP nhưng Việt Nam cùng 10 nước khác vẫn đàm phán và ký kết nhanh vì về lâu dài rất có lợi. Đây là hiệp định mở nên trong tương lai Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc... có thể cũng tham gia”.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Minh Hằng, Phó vụ trưởng Ban thư ký quốc gia APEC 2017 Bộ Ngoại giao, CPTPP sẽ giúp các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng trưởng cao như: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, điện tử, thủy sản, nông sản. Cũng có một số lĩnh vực sẽ bị tổn thương là chăn nuôi, song đây là cơ hội “vàng” để chăn nuôi Việt Nam thay đổi nếu không sẽ thua ngay sân nhà vì giá thịt heo, gà của Canada, Mexico rẻ hơn rất nhiều. Lộ trình là sau 10 năm Việt Nam sẽ bỏ thuế nhập khẩu thịt heo tươi, thịt gà và 8 năm với thịt heo đông lạnh.

Hương Giang

Tin xem nhiều