Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948-2018) và 20 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, xung quanh vấn đề phát triển đô thị của tỉnh hiện nay.
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948-2018) và 20 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, xung quanh vấn đề phát triển đô thị của tỉnh hiện nay.
PHẢN BIỆN NHIỀU DỰ ÁN, HỒ SƠ QUY HOẠCH
* Vai trò của Hội Kiến trúc sư Đồng Nai thời gian qua trong việc đóng góp vào phát triển đô thị của tỉnh như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, Hội Kiến trúc sư Đồng Nai đã được UBND tỉnh, Sở Xây dựng mời tham gia thẩm định, phản biện các hồ sơ quy hoạch thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Ví dụ như: quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; các chương trình phát triển đô thị của Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom... Hội còn phối hợp với UBND TP.Biên Hòa tổ chức tọa đàm về quy hoạch, phát triển đô thị gắn với giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống; hỗ trợ tổ chức thi tuyển thiết kế cổng chào các vị trí cửa ngõ thành phố.
* Những trăn trở của ông nói riêng và giới kiến trúc sư nói chung đối với tốc độ đô thị hóa khá cao của Đồng Nai là gì?
- Đi liền với công nghiệp hóa là đô thị hóa, đó là tất yếu. Đô thị ở Đồng Nai cũng không khác mấy so với đô thị cả nước ở chỗ phát triển không có tổ chức dẫn đến kiểm soát không nổi. Biểu hiện rõ là cảnh quan đô thị thiếu các không gian công cộng, các công trình tạo điểm nhấn, trục đường phố đa phần là nhà ở và thương mại dịch vụ nhỏ lẻ. Phát triển không có tổ chức còn tạo ra một hệ lụy là hệ thống hạ tầng quá tải như: giao thông tắc nghẽn, ngập úng chậm được khắc phục; công trình y tế, trường học hầu như thường xuyên quá tải; thiếu không gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thiếu các mảng cây xanh tập trung...
Đô thị đang phát triển thiếu bền vững, tăng nhanh về dân số và diện tích nhưng môi trường, không gian sống, chất lượng sống của cư dân không tương xứng với thứ hạng đô thị được xếp loại. Đây là trăn trở không chỉ của riêng giới kiến trúc sư mà còn là bức xúc của hầu hết người dân tại các đô thị.
Xuất phát từ cách nhìn của người dân Biên Hòa và cách nghĩ của các kiến trúc sư đã và đang sống gắn bó với Biên Hòa, chúng tôi đề xuất những ý tưởng là: làm đẹp cho những vỉa hè, hố ga cho đến trạm chờ xe buýt, chỗ đậu ô tô, góc ngã tư, những cây cầu, con đường cụ thể; làm xanh cho một số không gian tiêu biểu; đề xuất cho kết cấu bờ rạch, bờ kênh thoát nước trong công viên hay bờ sông gắn với nhu cầu hoạt động của người dân... |
* TP.Biên Hòa là một đô thị cũ và khá mờ nhạt trong kiến trúc. Theo ông cần có những giải pháp gì để kiến trúc thành phố bớt lộn xộn?
- TP.Biên Hòa là một đô thị hiện hữu gắn với lịch sử phát triển hàng trăm năm, tuy nhiên cấu trúc đô thị luôn biến động, những giá trị văn hóa, lịch sử, không gian cảnh quan tự nhiên gắn với cộng đồng dân cư chậm được nhìn nhận và giữ gìn. Chưa kể, không gian đô thị khu vực hiện hữu chậm được đầu tư cải tạo, công trình công cộng xây mới đa phần có quy mô nhỏ chưa tạo tác động cải tạo cảnh quan đô thị. Đối với các khu vực phát triển mới chưa được quản lý đồng bộ hoặc đầu tư chưa hoàn chỉnh để tạo dựng nên không gian đô thị hiện đại theo các quy hoạch được duyệt.
Để có sự chuyển biến trong xây dựng, phát triển Biên Hòa, trước hết cần tuân thủ theo định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt, cụ thể: các phường nội ô tập trung đầu tư bổ sung hạ tầng và chú trọng cảnh quan kiến trúc đường phố; tập trung phát triển đô thị mới ở ngoại vi các phường, xã phía Nam như: Long Bình Tân, Phước Tân, Tam Phước. Khu vực Hiệp Hòa, Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An chú trọng phát triển và giữ gìn giá trị lịch sử, truyền thống, tạo mảng xanh tập trung bổ sung cho khu vực nội ô thành phố. Các khu vực đô thị mới sẽ gắn kết với đô thị cũ bằng hệ thống giao thông thuận lợi.
HÀNH ĐỘNG VÌ THÀNH PHỐ TÔI YÊU
* Mong muốn của giới kiến trúc sư trong việc phát triển đô thị là gì, thưa ông?
- Mong muốn của giới kiến trúc sư hiện nay là các cơ quan nhà nước, các địa phương khi phát triển đô thị cần bám sát các quy định của pháp luật như: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng... Hồ sơ quy hoạch xây dựng được phê duyệt, chương trình phát triển gắn với quy hoạch. Đây là cơ sở để thống nhất chỉ đạo, quản lý, lập kế hoạch đầu tư, theo dõi kiểm tra trong quá trình góp ý thẩm định và phản biện của các hội nghề nghiệp.
Khu vực ngã tư Tam Hiệp, TP.Biên Hòa ngày nay (ảnh tư liệu) |
Phát triển đô thị trên cơ sở các luật nêu trên cũng tạo điều kiện để đội ngũ kiến trúc sư, nhất là kiến trúc sư trẻ, có môi trường hoạt động minh bạch, đúng chuyên môn, góp phần cho xây dựng các công trình kiến trúc tạo dựng bộ mặt đô thị theo quy hoạch.
* Hội Kiến trúc sư Đồng Nai đang thực hiện chương trình Vì thành phố tôi yêu. Ông có thể chia sẻ thêm về chương trình này của Hội?
- Phần lớn các khu vực trong TP.Biên Hòa chịu ảnh hưởng bởi hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, cây xanh đã tồn tại từ trước thiếu tính đồng bộ, dẫn đến những bất cập trong tổ chức không gian đô thị. Từ những bất cập đó, Hội Kiến trúc sư Đồng Nai cùng các thành viên Câu lạc bộ kiến trúc sư trẻ với trách nhiệm người làm nghề luôn trăn trở, kiến tạo trên cơ sở những cái đang có sẵn, mong muốn từng góc nhỏ của thành phố sẽ đẹp và thú vị hơn. Chúng tôi mong rằng việc làm đầy ý nghĩa đó sẽ tác động đến sự quan tâm và ủng hộ của người dân cùng các cơ quan quản lý và phát triển đô thị.
* Những công trình cụ thể mà Câu lạc bộ kiến trúc sư trẻ đề xuất là gì thưa ông?
- Trong thời gian qua, chúng tôi đã có các đề xuất tổ chức lại vòng xoay trước UBND tỉnh (bùng binh Sông Phố). Nơi đây nên tạo một công trình trang trí bằng gốm với tên gọi “Vũ điệu gốm”, bởi gốm là một trong những sản phẩm đặc trưng của TP.Biên Hòa, nhằm tạo điểm nhấn mang tính nghệ thuật cho địa danh Quảng trường Sông Phố gắn với ký ức một thời.
Hay đề xuất “khoác áo cho bồn nước” ở phường Trung Dũng (gần Trường THPT Ngô Quyền) làm mờ đi sự lộn xộn của hiện trạng kiến trúc khu vực này. Hoặc “xanh hóa” khu đất trống chân cầu Ghềnh, đây cũng là điểm gắn với đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh... Còn rất nhiều những công trình cụ thể khác mà chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất thực hiện.
* Xin cảm ơn ông!
Khắc Giới (thực hiện)