Theo kế hoạch, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đến nay, những gói thầu phía Tây của tuyến gần như đã hoàn thành, thế nhưng những gói thầu ở phía Đông nằm trên địa phận Đồng Nai, lại khá ì ạch.
Theo kế hoạch, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đến nay, những gói thầu phía Tây của tuyến gần như đã hoàn thành, thế nhưng những gói thầu ở phía Đông nằm trên địa phận Đồng Nai, lại khá ì ạch.
Cầu Chà Và thuộc gói thầu J2 của tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã hoàn thành. |
Khi khởi công công trình, Ban quản lý dự án đánh giá đoạn thi công “căng” nhất của dự án sẽ nằm ở 2 cầu lớn Bình Khánh và Phước Khánh. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công căng thẳng nhất lại rơi vào phần thi công đường phía Đông của tuyến.
* Phía Tây ung dung
3 gói thầu nằm trên địa bàn Đồng Nai gồm: Gói thầu xây lắp A5 gồm xây dựng tuyến đường dài gần 3km, xây dựng 2 cầu Ông Kèo và Bàu Sen nằm trên tuyến chính với tổng chiều dài hơn 720m, rộng 24,5m. Gói thầu xây lắp A6 xây dựng tuyến đường dài gần 17km, xây dựng cầu vượt Phước An dài gần 620m, rộng 24,5m. Xây dựng 1 trạm thu phí, hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng. Gói thầu xây lắp A7 xây dựng tuyến đường dài hơn 5km, xây dựng 2 cầu Thị Vải và Rạch Ngoài với tổng chiều dài hơn 3km, rộng 24,5m. Xây dựng một nút giao với quốc lộ 51, 1 trạm thu phí, tường chống ồn, hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng. |
Theo đánh giá của chủ đầu tư dự án tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hiện tại 5 gói thầu phía Tây sử dụng vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ gồm: A1, A2-1, A2-2, A3 và A4 đang bước vào giai đoạn cuối hoàn thiện. Giám đốc điều hành gói thầu A4 (nhà thầu Đông Mê Kông) Trần Văn Nhị cho biết đơn vị đang cố gắng trong tháng
6-2018 sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu để kịp tiến độ cho chủ đầu tư tổ chức thông xe.
Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cho hay dự kiến của VEC là trong năm nay sẽ tổ chức thông xe kỹ thuật đoạn từ nút giao Tân Tạo (Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh) đến nút giao cao tốc Trung Lương với chiều dài gần 20km. “Các gói thầu phía Tây dự án sử dụng vốn của ADB đến nay cơ bản hoàn thành, có thể thông xe được trong năm nay” - ông Hùng nói.
Với tiến độ thi công các gói thầu sử dụng vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), bao gồm các gói thầu: J1 (cầu Bình Khánh), J2 (cầu Chà Và) và J3 (cầu Phước Khánh) đều đảm bảo tiến độ so với kế hoạch đề ra, trong đó gói thầu J2 đã hoàn thành vào tháng 8-2017. Ông Hùng cho hay khối lượng công việc của 2 cầu Bình Khánh và Phước Khánh hiện đã đạt khoảng 60%, đơn vị thi công triển khai khá sát tiến độ.
* Phía Đông lo lắng
Đầu tháng 11-2017, VEC đã tổ chức khởi công 3 gói thầu còn lại (A5, A6 và A7) ở đầu tuyến phía Đông của dự án, đều nằm trên địa phận Đồng Nai. Đã gần 6 tháng trôi qua nhưng khối lượng việc gần như đạt không đáng kể. Ông Lê Mạnh Hùng cho biết nguyên nhân là do bị vướng mặt bằng nên không thể thi công được. Tại huyện Nhơn Trạch, mặt bằng dù đã được UBND huyện bàn giao tới 80% nhưng thực tế số mặt bằng người dân cản trở do chưa chấp thuận về giá bồi thường chiếm khoảng 30%. Ông Hùng lý giải diện tích còn lại thuộc diện “da beo” nên nhà thầu không thể triển khai thi công được. Theo UBND huyện Nhơn Trạch, nguyên nhân vướng mắc là do một số điểm bị thay đổi vị trí đất từ vị trí 3 sang vị trí 4, hiện huyện đang tập trung giải quyết những trường hợp này.
Với mặt bằng trên địa bàn huyện Long Thành, đến nay nhà đầu tư cũng đang phải đợi. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết hiện UBND huyện đang tiến hành chi trả bồi thường và bố trí tái định cư cho dân. “Huyện đã xây dựng xong khu tái định cư ở xã Tân Hiệp và công bố phương án tái định cư, dự kiến trong tháng 4 này sẽ hoàn tất” - ông Hưng nói. Như vậy, người dân sau khi được bố trí tái định cư phải mất khoảng 3 tháng xây dựng nhà, lúc đó mới bàn giao mặt bằng được cho nhà đầu tư.
Ông Hùng trăn trở: “Trên cạn chúng tôi chưa thiết lập xong đường công vụ để tập kết máy móc thi công, dưới nước (các luồng lạch) người dân cũng ngăn cản vì là nơi nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, muốn thi công phải trả tiền cho các hộ đóng đáy và nuôi thủy sản ở đây. Chúng tôi tính ra mỗi tháng số tiền phải trả lên đến cả tỷ đồng nên không thể thực hiện được”.
Khắc Giới