Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư. Vừa qua, Sân bay Tân Sơn Nhất cũng được Thường trực Chính phủ ủng hộ phương án mở rộng về phía Nam...
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư. Vừa qua, Sân bay Tân Sơn Nhất cũng được Thường trực Chính phủ ủng hộ phương án mở rộng về phía Nam, nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm, khác hẳn với dự đoán của nhiều người là sẽ cho xây thêm một đường băng phía Bắc.
Bộ Giao thông - vận tải vừa có văn bản gửi Tổng công ty ACV thống nhất chọn LT-03 là phương án thiết kế nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là phương án của Heerim Architects and Planners Co., Ltd (Hàn Quốc) lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính. Trong ảnh: Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình ảnh hoa sen. |
Dư luận đang băn khoăn việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất thì có bị cạnh tranh và ảnh hưởng đến lượng khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau này hay không, vì nếu không tính toán kỹ, sẽ phát sinh nhiều xung đột trong việc khai thác.
* Gỡ khó cho Tân Sơn Nhất
Ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không, cho biết cuối tháng 3-2018, nhà chức trách hàng không Nga đã đàm phán với Cục Hàng không, phía Nga đã thông báo từ bỏ kế hoạch tăng tần suất bay tại Tân Sơn Nhất với lý do sân bay này quá tải và đề nghị nghiên cứu cho phép tiếp nhận các chuyến bay của Nga đến Sân bay Liên Khương và Tuy Hòa. Hãng hàng không Etihad Airways của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất cũng thông báo đến ngày 15-4 sẽ rút tần suất từ 7 chuyến/tuần xuống còn 4 chuyến/tuần do đường tiếp cận Tân Sơn Nhất khó khăn. Tình trạng quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất đã báo động.
Việc đề xuất của Công ty tư vấn độc lập ADPI của Pháp là xây dựng thêm một nhà ga hành khách ở phía Nam của Sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích sàn 200 ngàn m2 (có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm) được Chính phủ ủng hộ là điều đáng mừng để sớm gỡ khó cho sân bay này. Tổng vốn khái toán cho dự án vào khoảng 18 ngàn tỷ đồng. Phương án mở rộng sân bay bao gồm các hạng mục chính như: mở rộng sân đậu máy bay, nhà ga ở phía Nam và xây dựng tuyến giao thông kết nối nhằm nâng cao năng lực sân bay, làm thêm đường lăn để thoát máy bay trên đường băng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho bhồ văn chừng, Bộ sẽ tính toán thực hiện trong thời gian sớm nhất vì yêu cầu cấp thiết để giảm kẹt cho Sân bay Tân Sơn Nhất.
* Không để xung đột với sân bay Long Thành
Tại hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sân bay Long Thành” được tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh mới đây, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ nên mở rộng tăng công suất lên khoảng 45 triệu hành khách/năm là vừa.
Theo ông Nam, nếu Sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng quy mô lên đến 70 triệu hành khách/năm sẽ ảnh hưởng đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau này, lúc này phải xem lại quy hoạch của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Quan điểm của ông Nam cũng trùng với ý kiến của các thành viên Thường trực Chính phủ, ủng hộ phương án chỉ nâng công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất lên từ 45-50 triệu hành khách/năm, chứ không thể là 60-70 triệu hành khách. Phương án này phù hợp quy hoạch. Kinh nghiệm trên thế giới, không có quốc gia nào xây dựng sân bay quá lớn trong lòng thành phố.
Cục phó Cục Hàng không Võ Huy Cường cũng chỉ ra, tại các nước tiên tiến như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, ở những thành phố lớn đều phải xây dựng một sân bay mới phục vụ song song với sân bay cũ, bởi sân bay cũ rất khó có dư địa để phát triển.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho hay tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến nay ACV đang đấu thầu chọn tư vấn nghiên cứu khả thi dự án và phấn đấu đến tháng 10-2019 trình Quốc hội. Theo dự kiến, dự án chỉ có thể khởi công vào năm 2021 và khó hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Khắc Giới