Thông tin từ Sở Kế hoạch - đầu tư cho hay tính đến đầu tháng 4-2018, số dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Đồng Nai khoảng 355 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5,6 tỷ USD, tăng gần 200 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017.
* Đầu tư của Hàn Quốc vào Đồng Nai đạt gần 5,6 tỷ USD
Thông tin từ Sở Kế hoạch - đầu tư cho hay tính đến đầu tháng 4-2018, số dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Đồng Nai khoảng 355 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5,6 tỷ USD, tăng gần 200 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017. Có 307 dự án của Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh nằm trong khu công nghiệp và 48 dự án nằm ngoài khu công nghiệp.
Đến thời điểm này, Hàn Quốc đang dẫn đầu trong số hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Lĩnh vực các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh nhiều là sản xuất công nghiệp như: xơ sợi dệt, dệt may, giày dép, sản phẩm sắt thép, điện tử, linh kiện điện tử... Ngoài ra, Hàn Quốc hiện đang là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Đồng Nai.
Khánh Minh
* Giá chuối xuất khẩu hạ nhiệt
Theo một số hộ trồng chuối trên địa bàn huyện Trảng Bom, hiện giá chuối cấy mô chỉ còn 13 ngàn đồng/kg, giảm 4-5 ngàn đồng/kg so với hồi đầu tháng.
Giá chuối hạ nhiệt do rộ vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ các chi phí đầu tư người trồng đang có lời khoảng 500 triệu đồng/hécta. Do đó, nhiều nông dân vẫn đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng chuối cấy mô trên địa bàn huyện.
Hữu Thắng
* Cẩm Mỹ chặt bỏ hàng trăm hécta cây gòn
Toàn huyện Cẩm Mỹ có gần 100 hécta cây gòn, tập trung tại các xã: Sông Ray, Lâm San, Xuân Tây... Hiện nông dân đang đồng loạt chặt bỏ cây trồng này.
Phong trào trồng cây gòn làm nọc tiêu phát triển mạnh tại địa phương trong giai đoạn nông dân đua nhau trồng tiêu. Nhưng 2 năm trở lại đây, cây hồ tiêu vừa mất mùa vừa rớt giá kéo theo các hộ trồng cây gòn cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, do chính quyền địa phương vận động và nhu cầu thị trường về cây gòn không còn cao như trước nên nông dân không phát triển thêm diện tích mới mà chỉ duy trì diện tích đã trồng. Hiện cây tiêu gặp khủng hoảng thừa, không phát triển diện tích mới nên nông dân trồng gòn buộc phải chặt bỏ. Việc chặt bỏ hàng loạt cây trồng này khiến nông dân gặp khó khăn vì tiền thuê nhân công chặt bỏ, dọn dẹp vườn trồng gòn khá cao, khoảng 300 ngàn đồng/người/ngày. Ngoài ra, cây gòn thường phải trồng từ 2 năm trở lên mới bán được nên chi phí đầu tư cũng tốn kém.
Đinh Tài