Ngày 28-3, tại TP.Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong đã tổ chức hội thảo Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông.
Ngày 28-3, tại TP.Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong đã tổ chức hội thảo Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông.
Thứ trưởng Bộ Giao thông – vận tải Nguyễn Ngọc Đông thông tin về tiến độ của dự án tại buổi hội thảo - V.Nam |
đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực hàng không, tài nguyên - môi trường, quy hoạch, đầu tư… đã nêu ra những vấn đề, như: giải phóng mặt bằng, quy hoạch quỹ đất, phương án thu hút vốn…
* Thu hút vốn kiểu gì?
Ông Nguyễn Tấn Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho rằng dự án Sân bay Long Thành cần phải triển khai sớm, bởi chi phí xây dựng của ngành hàng không cứ sau 5 năm sẽ bị đội vốn gấp đôi.
Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: Vân Nam) |
“Số vốn đầu tư dự án Sân bay Long Thành được tính toán từ năm 2015 có tính đến trượt giá đến năm 2020. Nếu kéo dài đến năm 2025 mới triển khai được, số vốn sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Việc này đã xảy ra với nhà ga T2 sân bay Nội Bài (Hà Nội)” - lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông nêu ý kiến: “Việc đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP) rất đa dạng nhưng hành lang pháp lý chúng ta chưa có. Trong khi đó Luật Hàng không thì không chi phối hết việc đầu tư này, chính vì vậy thu hút vốn theo hình thức PPP còn lúng túng. Về tiến độ của dự án, hiện nay Bộ Giao thông - vận tải và tỉnh Đồng Nai đang thực hiện rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị để có thể khởi công được đúng theo kế hoạch”. |
Về vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư cho dự án, TS.Lương Hoài Nam, chuyên gia ngành hàng không, chỉ ra cần phải sớm xác định mô hình đầu tư, từ đó mới có cách thu hút đầu tư. Đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định rõ mô hình đầu tư của dự án Sân bay Long Thành.
“Đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) cũng rất đa dạng, nhiều nước đã thực hiện như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia... đều làm nhưng hoàn toàn không giống nhau. Tôi cho rằng việc thu hút vốn đầu tư cho dự án Sân bay Long Thành không khó, vấn đề cần phải xác định được mô hình đầu tư nào, nhà nước và tư nhân tham gia ra sao” - ông Nam nói.
Sở dĩ ông Nam khẳng định việc thu hút vốn không khó, bởi ngành hiện có tăng trưởng tốt và kinh doanh hàng không tương đối “độc quyền”. Ông cũng đề xuất thu hút vốn nên theo kiểu công ty cổ phần.
* Tạo vốn từ đất
Cũng trong chuyện thu hút vốn, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ chia sẻ nguồn lực đầu tư cho dự án Sân bay Long Thành có thể nghiên cứu bài học phát triển sân bay rất thành công từ hai quốc gia là Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước này xây dựng sân bay tốn rất ít tiền nhà nước thông qua việc điều chỉnh quy hoạch đất từ đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp. Đất phi nông nghiệp sẽ có giá cao hơn rất nhiều so với đất nông nghiệp. Như vậy, Nhà nước có thể đổi đất cho người dân trong vùng dự án mà không phải bồi thường như hiện nay, phần đất còn lại sẽ đấu giá lấy tiền để đầu tư.
Phối cảnh nhà ga hành sân bay Long Thành |
“Đất vùng phụ cận sân bay rõ ràng có lợi thế rất lớn như vậy việc đấu giá sẽ có khoản tiền lớn từ đất. Làm việc này, Quốc hội cần phải có nghị quyết và Đồng Nai phải có quy hoạch vùng phụ cận sân bay” - ông Võ lý giải.
Tiếp vấn đề quy hoạch của ông Võ, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc cũng đồng tình cho rằng cần phải có quy hoạch tổng thể cả vùng phụ cận sân bay, không thể chỉ riêng 5 ngàn hécta diện tích xây dựng sân bay như hiện nay. Địa phương cần nghiên cứu sâu về quản lý phát triển đô thị vùng Sân bay Long Thành, như thế phát triển mới bền vững và thu hút được nhà đầu tư. Ông Dương Trung Quốc cũng nhận định về lâu dài đây là vùng đô thị lớn rất có lợi thế.
Khắc Giới