Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi cá "không đụng hàng"

07:03, 19/03/2018

Ông Trần Đức Cần có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá bè ở làng bè xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ông có niềm đam mê sưu tầm, tìm hiểu về các loại con giống mới.

Ông Trần Đức Cần có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá bè ở làng bè xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ông có niềm đam mê sưu tầm, tìm hiểu về các loại con giống mới.

Ông Trần Đức Cần (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) kiểm tra con giống cá chép giòn trước khi đóng hàng giao cho khách.
Ông Trần Đức Cần (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) kiểm tra con giống cá chép giòn trước khi đóng hàng giao cho khách.

Khi làng bè bắt đầu đưa vào mô hình du lịch sinh thái, ông Cần đã mạnh dạn đón đầu nuôi các loại cá “không đụng hàng” để phục vụ du khách.

* Làm giống cá đặc sản

Ông Cần chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi cá chép giòn rộ lên ở nhiều tỉnh, thành. Người nuôi thì nhiều nhưng đa số con giống đều phải nhập từ Trung Quốc. Theo đó, tôi quyết định đầu tư sản xuất con giống đặc sản này”. Ông Cần vừa tận dụng ao sản xuất giống có sẵn của gia đình, vừa thuê thêm mặt nước ao và hợp tác với một số thành viên của Hợp tác xã Vĩnh Hưng (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) đầu tư sản xuất con giống cá chép giòn.

Ông Cần cho biết: “Để có nguồn giống chuẩn hóa về chất lượng, chúng tôi chấp nhận bỏ ra cả ngàn USD cho 1 con giống cá chép giòn nhập khẩu từ Nga có trọng lượng từ 7-8kg. Đi đầu phải chấp nhận rủi ro, có đợt chúng tôi mất cả trăm triệu đồng vì con giống bị hao hụt trong quá trình nhập khẩu”.

Từ giữa năm 2017, ông Cần bắt đầu có con giống cá chép giòn cung cấp ra thị trường. Nhờ chất lượng cá tốt, dễ dàng truy xuất được nguồn cung cấp, giá lại mềm hơn hẳn nguồn giống nhập từ Trung Quốc, ông Cần đã nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài cung cấp con giống cho người nuôi trong tỉnh, đa số bạn hàng của ông Cần đều ở cái nôi sản xuất cá giống tại các tỉnh miền Tây, như: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang...

* Tạo sản phẩm du lịch

Ngoài sản xuất cá giống đặc sản, ông Cần còn tiên phong đầu tư nuôi các loại cá đặc sản thay cho dòng cá thịt truyền thống. Ông Cần tâm sự: “Hiện khu bè của tôi đang tập trung nuôi 2 loại cá đặc sản mới là cá quế và cá lăng nghệ. Khi làng cá bè quy hoạch lại, tôi buộc phải thu hẹp diện tích bè lại chỉ bằng 1/4 so với trước. Vì vậy, tôi luôn tìm tòi những giống cá đặc sản cho lợi nhuận tốt hơn”.

 Một nguyên nhân khác khiến ông Cần quyết định bỏ dòng cá thịt truyền thống sang nuôi hàng đặc sản là do suốt cả năm vừa qua, các loại cá thịt đồng loạt rớt giá, người nuôi cá thua lỗ hàng loạt. Ông Cần đúc kết: “Tôi chấp nhận rủi ro đi đầu chuyển đổi nuôi các loại cá đặc sản vì muốn đón cơ hội thị trường cho dòng đặc sản không đụng hàng này. Là thành viên của Hợp tác xã thủy sản du lịch sinh thái Làng Bè (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), tôi sẽ đầu tư cải tạo về cảnh quan khu nuôi cá bè để tham gia vào các dịch vụ du lịch sinh thái làng bè đang được đưa vào khai thác”. 

Ngoài ra, ông Cần cũng đang tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất con giống các loại cá đặc sản. Ông Cần muốn thuyết phục người nuôi cá chọn con giống đặc sản mới bằng chính hiệu quả thử nghiệm thực tế trên bè cá của mình.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều