Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến ngành tài chính tổ chức vào ngày 8-1. Năm 2017, ngành tài chính đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu...
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến ngành tài chính với 63 tỉnh tổ chức vào ngày 8-1.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chủ trì đầu cầu Hội nghị trực tuyến tại Đồng Nai. |
Năm 2017, ngành tài chính đã có nhiều nỗ lực để thu ngân sách vượt dự toán, giảm nhiều thủ tục hành chính, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp, người dân. Nhưng ngành tài chính vẫn còn để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu đòi “bôi trơn”, đặc biệt trong ngành thuế và hải quan.
* Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 đạt 1.283,2 ngàn tỷ đồng, vượt 5,9% so với dự toán năm và tương đương 71 ngàn tỷ đồng. Số thu vượt là của các địa phương, chủ yếu thu từ tiền sử dụng đất, còn thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh có tăng so với năm 2016 nhưng thấp hơn dự toán. Trong đó, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hơn 85%, doanh nghiệp nhà nước gần 88%, kinh tế ngoài quốc doanh hơn 93%, thuế thu nhập cá nhân hơn 97%...
Tại đầu cầu Đồng Nai do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chủ trì. Tham dự còn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng và đại diện các sở ngành. Năm 2017, thu ngân sách của Đồng Nai đạt gần 48,8 ngàn tỷ đồng, đạt 101% so với dự toán và tăng 13% so với năm 2016. Trong năm 2018, tổng dự toán thu ngân sách của tỉnh là 53.849 tỷ đồng, trong đó thu nội địa gần 38,35 ngàn tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 15,5 ngàn tỷ đồng và thu xổ số kiến thiết 1.454 tỷ đồng. |
Trong năm 2017 là năm đầu tiên nước ta hoàn thành 13 chỉ tiêu lớn về kinh tế - xã hội. Để đạt được kết quả này là cố gắng của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để đạt mức tăng trưởng cao.
Riêng ngành tài chính đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp tài chính, ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ điều hành thu, chi ngân sách phù hợp, giữ bội chi ngân sách và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: “Năm 2017, Bộ Tài chính đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường giải quyết hồ sơ trực tuyến giảm chi phí, thời gian đi lại tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân nộp thuế. Bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến 946 thủ tục”.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục mở hệ thống khai thuế quan qua mạng cho các doanh nghiệp, mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử kết nối thông tin nộp thuế giữa cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và các ngân hàng thương mại, thời gian thực hiện các hồ sơ được rút ngắn. Cơ cấu lại ngân sách, nợ công, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững. Quản lý thị trường giá cả, kiểm soát lạm phát, thị trường tiền tệ ổn định.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nói: “Năm 2017, ngành hải quan thu vượt dự toán hơn 12 ngàn tỷ đồng là do đơn giản thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp để tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương truy thu nợ đọng thuế, trốn thuế”. Bên cạnh đó, ngành hải quan đẩy mạnh triển khai dịch vụ kê khai nộp hồ sơ, thuế điện tử để minh bạch các thủ tục hạn chế tiêu cực.
* Mạnh tay với cán bộ đòi “bôi trơn”
Môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực. Tuy nhiên theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn còn tồn tại những hạn chế là chi phí “bôi trơn” các doanh nghiệp phải trả còn cao, trong đó không ít doanh nghiệp, người dân than phiền về ngành thuế, hải quan.
“Chính sách thuế thay đổi quá nhanh khiến doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, tình trạng doanh nghiệp bị oan sai do chính sách thuế thay đổi vẫn còn. Cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện các quy định về thuế còn thiếu lắng nghe để khắc phục những hạn chế. Bên cạnh đó, các chính sách thuế mới chỉ hướng đến thuận lợi cho cơ quan nhà nước, chưa hướng đến người nộp thuế, vì vậy quyền lợi của người nộp thuế chưa được bảo vệ đúng mức” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo tới đây Bộ Tài chính phải có điều khoản quy định rõ quyền lợi của người nộp thuế. Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại các chính sách về thuế xem đã phù hợp chưa để kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp. Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh để đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp. Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra cán bộ ngành tài chính, đặc biệt lĩnh vực thuế, hải quan để dẹp ngay tình trạng đòi hỏi phí “bôi trơn”, phía doanh nghiệp cũng phải nói không với phí “bôi trơn”.
Ghi nhận những chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Năm 2018, ngành tài chính sẽ tập trung chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn ngành, đặc biệt lĩnh vực thuế, hải quan. Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, thời gian xử lý hồ sơ. Quản lý chặt nợ công, tăng dự trữ quốc gia và đưa ra 9 giải pháp đột phá để hoàn thành thu ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư. Thực hiện đúng theo phương châm: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
Hương Giang