Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm thương hiệu cho thức ăn đường phố

07:01, 16/01/2018

Một trong những nhánh đang "nóng" nhất hiện nay trong ngành thực phẩm là thức ăn đường phố. Mặc dù chưa có những con số rõ ràng về thống kê, song không ai phủ nhận được nhìn chung thức ăn đường phố đã và đang là lĩnh vực mang lại lợi nhuận khổng lồ, thậm chí vượt hẳn so với nhiều nhánh khác trong ngành kinh doanh ăn uống.

Một trong những nhánh đang “nóng” nhất hiện nay trong ngành thực phẩm là thức ăn đường phố. Mặc dù chưa có những con số rõ ràng về thống kê, song không ai phủ nhận được nhìn chung thức ăn đường phố đã và đang là lĩnh vực mang lại lợi nhuận khổng lồ, thậm chí vượt hẳn so với nhiều nhánh khác trong ngành kinh doanh ăn uống.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện tại thì có vẻ ngành kinh doanh này đang vấp phải nhiều vấn đề: rất ít thương hiệu, nhiều lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm, các hình thức thuế, phí... Bởi lâu nay, thức ăn đường phố được xem như “cách kiếm cơm” của người nghèo hơn là một ngành kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận. Mặc dù vậy, đã đến lúc cần chấp nhận và nhìn nhận đây là một trong những ngành kinh doanh “nóng” có mức tăng trưởng cao, thị phần khá ổn định và cần đầu tư đúng mức như nhiều quốc gia khác đã làm.

Trên tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu, cho biết nhiều công ty nghiên cứu thị trường nhận định dù ở Việt Nam có 149 ngàn điểm bán thức ăn đường phố (tính đến năm 2016), nhưng những chuỗi thức ăn đường phố có thương hiệu chỉ chiếm 0,59%, một tỷ lệ rất nhỏ.

Cũng theo bà Vân, tại Hong Kong, chuỗi ẩm thực đường phố nội địa có thương hiệu chiếm 5%, tại Philippines là 21%, tại Đài Loan là 30%, tại Singapore là 10%. Đặc biệt, các chuỗi ẩm thực đường phố của nhiều nước đã nhượng quyền ra thế giới, ví dụ như Oldchangkee (Singapore) hay Shinhlin (Đài Loan). Các chuỗi ẩm thực đường phố có thương hiệu ở Việt Nam hiện tại có thể kể đến như FiveStar, Bánh mì Que, 1 phút 30 giây hay Cà phê Gorthe.

Trong đó, nhiều người tiêu dùng đã khá quen thuộc với thương hiệu Five Star, chuỗi ki-ốt chuyên bán gà chiên của Tập đoàn C.P. (Thái Lan). Thương hiệu này hiện đang nắm thị phần lớn nhất trên thị trường thức ăn nhanh hiện nay, bởi không chỉ có mặt tại các thành phố lớn nhỏ, Five Star còn có mặt tại các thị trấn, thị tứ, các chợ nông thôn... Trong vòng 4 năm, thị phần của chuỗi này tăng từ 26,5% (năm 2013) lên mức 71,3% (năm 2016). Trong khi đó, các chuỗi còn lại trong các thương hiệu được kể tên ở trên đang giảm dần, thậm chí biến mất.

Theo nhiều ý kiến của những chuyên gia kinh tế quan tâm đến vấn đề này, để phát triển ẩm thực đường phố theo hướng văn minh, sạch sẽ, có nhiều thương hiệu Việt lớn mạnh, hiện vấn đề đáng ngại nhất là các tiêu chuẩn quản lý về chất lượng đối với dạng thức ăn này. Theo đó, rất khó để áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe như trong các quán ăn, nhà hàng, song cũng không được dễ dãi, lơ là bởi nó liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng. TP.Hồ Chí Minh từng có đề xuất xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng về vệ sinh an toàn thực phẩm và cách thức quản lý đặc thù, song đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Chưa kể, chiếm một phần không nhỏ trong những người thực sự đang kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay hầu hết đều là người có thu nhập thấp, ngoại tỉnh… nên việc nâng cấp họ cũng gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, những người quan tâm vẫn có thể có “đất” trong việc khởi nghiệp bằng những thương hiệu thức ăn đường phố với các lợi thế: chi phí rẻ, hoàn vốn nhanh, dễ mở rộng… trong lúc chờ những chính sách đủ mạnh để có thể chuẩn hóa ngành kinh doanh thú vị này.

Vi Lâm

Tin xem nhiều