Báo Đồng Nai điện tử
En

Xung lực mới cho phát triển kinh tế 2018

10:12, 29/12/2017

Ngày 28 và 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

Ngày 28 và 29-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Đây là hội nghị trực tuyến đầu tiên của Chính phủ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự. Tại đầu cầu Đồng Nai tham dự có các đồng chí: Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

* Kinh tế lập kỷ lục mới

Trong năm 2017, GRDP của tỉnh Đồng Nai tăng khoảng 8%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6%, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng 3,15%, hàng hóa dịch vụ tăng hơn 11% và thu nhập bình quân đầu người là 91 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm nay đạt gần 48,66 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Đặc biệt Đồng Nai xuất siêu đạt khoảng 2,17 tỷ USD.

Theo Văn phòng Chính phủ, năm 2017 lần đầu tiên cả nước hoàn thành và vượt mức kế hoạch 13 chỉ tiêu chính về kinh tế - xã hội. GDP tăng 6,81%, kim ngạch xuất nhập khẩu 425 tỷ USD, tổng thu ngân sách tăng 13% so với cùng kỳ, lạm phát ở mức thấp.

Năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng tăng bình quân 3,53%, lạm phát 1,41%, tín dụng tăng khoảng 19% và lần đầu tiên Việt Nam dự trữ ngoại hối đạt 51,5 tỷ USD. Nhiều chỉ tiêu về kinh tế vượt xa so với kế hoạch năm là: tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, thành lập mới doanh nghiệp, thu ngân sách...

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết trong năm có gần 127 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và 26,5 ngàn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong năm qua là gần 3,2 triệu tỷ đồng. Đến nay có 43 huyện và 32% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 7%, giải quyết việc làm cho 1,63 triệu người.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thì nhấn mạnh: “Kinh tế đạt mức tăng khá là do chúng ta cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả. Có khoảng 5 ngàn thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa. Chấn chỉnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp không được quá 1 lần/doanh nghiệp/năm. Tiếp nhận giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương”.

* Tăng cường phòng chống tham nhũng

Trong năm, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 cuộc đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp và nhiều hội nghị, diễn đàn liên quan đến cải cách hành chính, xúc tiến thương mại, đầu tư. Qua đó đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan liên quan xác minh làm rõ và xử lý các thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và các sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức do cơ quan báo chí đăng tải. Có hơn 2 ngàn kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ giải quyết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Tăng cường phòng chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát”. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các bộ, ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý các hồ sơ qua mạng để tăng tính minh bạch và hạn chế tham nhũng, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

* Đột phá để phát triển

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Năm 2018, tình hình kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, xuất khẩu Việt Nam tiếp tục có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp tiếp tục tái cơ cấu, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Năm tới nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực, thuế suất giảm sâu nên các doanh nghiệp chú ý tăng xuất khẩu sang những thị trường này để hưởng các ưu đãi”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý các tỉnh, thành thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc để xây dựng thương hiệu, tăng xuất khẩu và giá trị gia tăng. Để làm được việc này, Chính phủ tiếp tục gỡ nút thắt về đất đai.

Dự báo, năm 2018 sẽ có nhiều thuận lợi, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ có những khởi sắc. Thế nhưng để đạt vượt những chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Các bộ, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Lãnh đạo các địa phương vào thứ bảy, chủ nhật nên xuống dân lắng nghe bức xúc để có biện pháp tháo gỡ, tránh “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Phương châm Chính phủ đề ra cho hành động trong năm 2018 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Hương Giang

Tin xem nhiều