Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân không còn mặn mà với cây điều

07:12, 11/12/2017

Thời tiết bất lợi vừa qua khiến cho nông dân trồng điều trong tỉnh không còn mặn mà với loại cây trồng này. Nhiều nông dân đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao, ít chịu ảnh hưởng vào thời tiết hơn.

Thời tiết bất lợi vừa qua khiến cho nông dân trồng điều trong tỉnh không còn mặn mà với loại cây trồng này. Nhiều nông dân đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao, ít chịu ảnh hưởng vào thời tiết hơn.

Ông Bùi Ngọc Lan (xã Phú An, huyện Tân Phú) gần như bỏ mặc vườn điều dần cháy khô từ năm ngoái đến nay.
Ông Bùi Ngọc Lan (xã Phú An, huyện Tân Phú) gần như bỏ mặc vườn điều dần cháy khô từ năm ngoái đến nay.

Theo báo cáo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, diện tích trồng điều của tỉnh liên tục giảm trong vài năm qua. Cuối năm 2016, toàn tỉnh có trên 38,8 ngàn hécta điều, giảm khoảng 6 ngàn hécta so với năm 2013.

* Không mấy mặn mà

Nhiều nông dân trồng điều có kinh nghiệm cho biết, loại cây này rất nhạy cảm với thời tiết, nhất là những dạng thời tiết cực đoan, như: sương muối, mưa trái mùa... như thời gian gần đây. Hơn thế nữa, giá hạt điều dù khá ổn định nhưng còn ở mức thấp so với nhiều loại nông sản khác. Do đó, nông dân dễ có tâm lý muốn chuyển đổi cây trồng.

“Nhà tôi có 1,8 hécta điều xen canh với cà phê. Tuy nhiên, thời tiết năm nay thường xuyên có sương muối và mưa trái mùa nên cây điều bị mất mùa. Vườn điều 13 năm tuổi của gia đình tôi bị thiệt hại, khó có thể phục hồi được. Số ít cây phục hồi được thì cũng cho năng suất không cao nên từ năm ngoái đến nay, tôi gần như không chăm sóc vườn điều dần chết khô của gia đình”  - ông Bùi Ngọc Lan (xã Phú An, huyện Tân Phú) ngậm ngùi nói.

Ông Đỗ Thành Huy, Chủ tịch UBND xã Phú An (huyện Tân Phú), cho biết: “Diện tích trồng điều trên địa bàn xã từ năm 2012-2014 vào khoảng gần 2 ngàn hécta. Tuy nhiên, những năm vừa qua nhiều hộ dân thấy hiệu quả kinh tế của cây điều còn thấp so với các cây trồng khác, như: sầu riêng, bưởi, cao su... từ đó, diện tích điều ngày càng giảm. Đến nay, toàn xã chỉ còn khoảng hơn 1 ngàn hécta điều”.

Nhiều nông dân ở Phú An, huyện Tân Phú cũng cho biết so về hiệu quả kinh tế, 1 hécta điều nếu đạt năng suất và giá ổn định thì nông dân thu về khoảng 70-80 triệu đồng/hécta. Trong khi đó, với hécta sầu riêng từ năm 2-3 trở lên thì thu về 400-500 triệu đồng/hécta.

Theo UBND xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), khoảng 3 năm trước đây diện tích trồng chuyên về điều của xã là 315 hécta, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 250 hécta chuyên trồng điều. Riêng năm nay đã có 7-8 hộ dân chuyển hẳn sang loại cây trồng khác thay cho cây điều với diện tích khoảng 5 hécta.

* Thận trọng khi chuyển đổi

Sau vụ điều gần như mất trắng hồi năm ngoái, anh Bùi Khắc Ngân (xã Phú An, huyện Tân Phú) đã chặt bỏ khoảng hơn 300 gốc điều để chuyển sang trồng bưởi, chanh với hy vọng cho thu nhập cao và ổn định hơn cây điều.

“Khi chuyển đổi, tôi cũng được tham khảo, chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chanh, bưởi đạt hiệu quả” - anh Ngân nói thêm.

Ông Nguyễn Hữu Ký, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết trên địa bàn huyện, diện tích điều trước đây đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, những năm gần đây giá trị kinh tế của cây điều không bằng một số loại cây, như: bưởi, sâu riêng... Do đó, nông dân có xu hướng chuyển đổi sang các loại cây có giá trị cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Dòn, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Định Quán, cho biết: “Việc hướng dẫn, tập huấn cho nông dân trồng điều đạt hiệu quả, ứng phó với các dạng thời tiết. Được đơn vị cùng với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương thường xuyên được tiến hành để nông dân trồng điều chủ động hơn trong vụ điều mới, đảm bảo năng suất, hạn chế dịch bệnh”.

Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, đề án “Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu điều của Công ty Donafoods trên địa bàn 3 huyện: Xuân Lộc, Định Quán và Trảng Bom đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020” hiện tạm ngưng triển khai vì đơn vị chủ đầu tư là Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản Đồng Nai (Donafoods) đã chuyển đổi loại hình hoạt động từ doanh nghiệp Nhà nước sang cổ phần.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển cây điều trên địa bàn tỉnh, các chương trình canh tác ca cao xen điều…, nhất là chương trình dự án cánh đồng lớn hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm điều tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom. Tổng diện tích quy hoạch thực hiện giai đoạn 2015-2023 là 568 hécta.

Bên cạnh đó, trung tâm sẽ hỗ trợ, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều (thuộc Viện Khoa học - kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam) thực hiện dự án xây dựng mô hình thâm canh và trồng mới điều nhằm phát triển sản xuất điều bền vững, giai đoạn 2017-2019 trên địa bàn 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất.

Hải Quân

Tin xem nhiều