Năm 2017, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh đã đạt 1,5 tỷ USD vượt kế hoạch năm gần 500 triệu USD. Đây là một trong những chỉ tiêu về kinh tế của tỉnh vượt kế hoạch năm khá sớm. Các dự án thu hút được đều phù hợp với yêu cầu của tỉnh là có công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động phù hợp với những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư.
Năm 2017, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh đã đạt 1,5 tỷ USD vượt kế hoạch năm gần 500 triệu USD. Đây là một trong những chỉ tiêu về kinh tế của tỉnh vượt kế hoạch năm khá sớm. Các dự án thu hút được đều phù hợp với yêu cầu của tỉnh là có công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động phù hợp với những lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư.
Sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). |
Theo Sở Kế hoạch- đầu tư, những năm gần đây, thu hút đầu tư FDI của tỉnh đều có sự chọn lọc, ưu tiên chọn dự án công nghệ cao, lao động có tay nghề, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường... Đặc biệt trong năm 2017 có rất nhiều dự án tăng vốn đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giúp cho nguồn cung nguyên phụ liệu tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy môi trường đầu tư của Đồng Nai khá thuận lợi, các doanh nghiệp FDI sản xuất, kinh doanh tốt.
* Chọn lọc vẫn hấp dẫn
Năm 2017, Đồng Nai đã cấp mới 80 dự án với tổng vốn gần 600 triệu USD và hơn 110 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn trên 900 triệu USD. Trong đó, có những dự án có vốn cấp mới và tăng vốn khá lớn như: Dự án Công ty TNHH Powerknit Việt Nam vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD, dự án của Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam vốn đăng ký 55 triệu USD, dự án của Công ty TNHH Pou Sung VN tăng vốn thêm 80 triệu USD, dự án Công ty TNHH Boustead Projects Land Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký 47 triệu USD Singapore... Sở dĩ, Đồng Nai cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài là vì Việt Nam là một trong những nước ở khu vực châu Á tham gia hội nhập sâu khá nhanh. Hiện đã có 16 FTA đã ký kết và đang đàm phán đem lại cơ hội lớn cho thu hút đầu tư và xuất khẩu. Bên cạnh đó, còn do chính trị của Việt Nam ổn định, các chính sách mới ban hành ngày càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Lao động của Việt Nam tay nghề ngày càng được nâng cao so với mặt bằng chung trong khối ASEAN. Do đó, dù Việt Nam đang dần mất đi lợi thế lao động giá rẻ nhưng bù vào đó chúng ta lại đáp ứng được những đơn hàng khó trong thời gian ngắn nên nhiều nhà đầu tư, các đơn hàng sau khi chuyển qua Lào, Campuchia, Myanmar...đã trở lại Việt Nam.
Ông Park Noh Wan, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, Hàn Quốc đang dẫn đầu trong những quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn trên 5,5 tỷ USD và con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Hiện nhiều công ty, tập đoàn của Hàn Quốc nhờ Lãnh sự quán hỗ trợ các thông tin về chính sách, thủ tục đầu tư để đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ, xây dựng. Tới đây khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành xây dựng xong và đi vào hoạt động sẽ thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đến Đồng Nai nhiều hơn. |
Ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch- đầu tư, cho biết: “Năm 2017, thu hút đầu tư FDI đã vượt kế hoạch năm 50%. Trong đó có nhiều dự án vốn đầu tư mới, tăng vốn trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đây là ngành nghề tỉnh đang ưu tiên mời gọi nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho các doanh nghiệp FDI khác trong tỉnh. Các dự án hầu hết có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường”. Theo ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các dự án FDI đầu tư vào tỉnh triển khai rất nhanh chỉ sau một thời gian ngắn đã xây dựng xong nhà xưởng và đi vào hoạt động. “Những dự án FDI đầu tư vào Đồng Nai chủ yếu thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, British Virgin Islands, Đức. Trong đó, Hàn Quốc đang xếp thứ nhất trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, tiếp đến là Đài Loan và Nhật Bản”-ông Sỹ nói. Nếu các công ty, tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Singaporeritish Virgin Islands, Đức... thường có vốn đầu tư lớn thì các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đầu tư chỉ vài triệu USD/doanh nghiệp nhưng phần lớn hoạt động về công nghiệp hỗ trợ, công nghệ hiện đại sử dụng ít lao động. Nhiều công ty của các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất vài triệu sản phẩm/năm nhưng chỉ sử dụng khoảng 5-10 lao động. Những lao động làm việc trong các nhà máy này khá nhẹ nhàng vì các khâu đều được tự động hóa. Công nhân chỉ bấm nút và theo dõi quá trình hoạt động sản xuất qua màn hình của máy, môi trường làm việc sạch, xanh.
Ông Nguyễn Thành Đạt, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A (huyện Nhơn Trạch), cho hay: “Khu công nghiệp được cấp chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2015 đến nay đã cho thuê đất đất được hơn 70 hécta với trên 10 doanh nghiệp có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Hiện có nhiều doanh nghiệp FDI đến tìm hiểu thủ tục dự tính sẽ đầu tư vào”. Đây là một trong những khu công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đến Đồng Nai đầu tư trong năm 2017. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, toàn tỉnh quy hoạch 35 khu công nghiệp, trong đó 31 khu công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng và đi vào hoạt động rất thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đầu tư vào. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp của Đồng Nai rất gần cảng sông, cảng biển, đường cao tốc giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian, chi phí trong việc lưu thông hàng hóa. Có được kết quả trên là do Đồng Nai đã làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
* Hứa hẹn nhiều dự án lớn
Gần đây, các công ty, tập đoàn FDI đến Đồng Nai nhiều hơn, mục đích nhằm tìm hiểu các chính sách, thủ tục để đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, môi trường. Ông Olaf Muller, Giám đốc điều hành Tập đoàn Chế tạo thiết bị Eggersmann (Đức), cho biết: “Tập đoàn đang muốn liên kết đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp và xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại nhất trên thế giới là biết chất thải thành năng lượng. Đồng Nai là địa bàn rất thuận lợi để đầu tư vì có đất đai rộng, khí hậu, giao thông thuận lợi. Ngoài Đồng Nai tôi dự tính sẽ đầu tư vào một số tỉnh thành khác vì Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, Chính phủ ngày càng có nhiều những chính sách giúp doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào yên tâm hơn”.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Phần Lan, Mỹ, Pháp, Nga...cũng đã đến tỉnh với mong muốn đầu tư mới và mở rộng đầu tư. “Tập đoàn đã đầu tư vào tỉnh được gần 7 năm và hoạt động khá tốt, doanh thu mỗi năm đều tăng cao. Lần mở rộng đầu tư này, Tập đoàn Esquel dự tính sẽ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sử dụng ít lao động. Sản phẩm làm ra sẽ xuất khẩu sang các nước, trong đó chúng tôi sẽ tập trung vào những thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại để hưởng những ưu đãi về thuế”-bà Marjorie Yang, Chủ tịch Tập đoàn Esquel (Hong Kong) cho hay. Ông Lee Yu Sheng, Tổng giám đốc Tập đoàn Want Want (Đài Loan) chia sẻ, Want Want là một tập đoàn đa ngành nghề được thành lập vào năm 1962. Bắt đầu tập đoàn này sản xuất thực phẩm và nước giải khát hiện đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như: Bất động sản, khách sạn, nông nghiệp, y tế, bảo hiểm, truyền thông... Tập đoàn Want Want dự tính đầu tư một nhà máy sản xuất bánh gạo tại Đồng Nai với tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 60 triệu USD sau đó mở rộng tiếp giai đoạn 2 lên 100 triệu USD. Việt Nam hội nhập nhanh là một trong những điểm rất hấp dẫn các nhà đầu tư vì đầu tư vào hàng hóa sản xuất ra xuất đi các nước cùng ký FTA sẽ tăng khả năng cạnh tranh.
Theo ông Park Min Beom, Trưởng phòng Kế hoạch quận Yuseong thuộc TP.Daejeon (Hàn Quốc), Daejeon có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Hiện nhiều doanh nghiệp của thành phố rất muốn đầu tư vào Đồng Nai vì ở đây có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào hoạt động rất tốt. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có ưu thế gần TP.Hồ Chí Minh nên việc tìm lao động tay nghề cao dễ dàng và giao thông khá tiện lợi. Ông Krivolapov Aleksandr Nikolaevich, Phó thống đốc tỉnh Kursk chia sẻ, Kursk là tỉnh dẫn đầu của Liên bang Nga trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, sản xuất máy móc và năng lượng. Hiện các doanh nghiệp của tỉnh này đang muốn đầu tư vào Đồng Nai ở những lĩnh vực trên để xuất khẩu.
Hương Giang