Việt Nam được thế giới đánh giá là tham gia vào hội nhập nhanh. Điều đó được thể hiện việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam những năm qua liên tục tăng cao. Đặc biệt năm 2017 Việt Nam đã từ nước nhập siêu trở thành xuất siêu. Tại Đồng Nai, hội nhập sâu đã thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao.
Việt Nam được thế giới đánh giá là tham gia vào hội nhập nhanh. Điều đó được thể hiện việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam những năm qua liên tục tăng cao. Đặc biệt năm 2017 Việt Nam đã từ nước nhập siêu trở thành xuất siêu. Tại Đồng Nai, hội nhập sâu đã thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao.
Sản xuất quần áo xuất khẩu của Công ty cổ phần Đồng Tiến. |
Theo dự báo năm 2017, xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm trước đó do phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Thế nhưng xuất khẩu của Đồng Nai năm 2017 đã tìm được cách “bứt phá” đạt hơn 16,9 tỷ USD. Đồng thời xuất siêu của tỉnh bằng gần 80% của cả nước. Có được kết quả trên là vì các doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương, đa phương mang lại.
Theo Sở Công thương, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai như: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ đều có mức tăng trường cao. Những thị trường lớn gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh...hầu hết vẫn giữ được kim ngạch xuất tăng cao. Đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng từ 50-200%.
* Xuất siêu cao
Dù tình hình kinh tế thế giới trong năm 2017 vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu của Đồng Nai vẫn giữ được tăng trưởng cao so với các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt trong năm 2017, tỉnh đã xuất siêu gần 2,2 tỷ USD. Những thị trường Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do đã được các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh tận dụng khá tốt. Xu hướng của các DN tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu trong nước để giảm nhập khẩu, dễ dàng được hưởng các ưu đãi về thuế với những quốc gia có ký kết hiệp định thương mại. Những ngành sản xuất chủ lực như: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ...các DN đều ưu tiên tìm nguyên liệu trong nước để chủ động trong sản xuất. Vì thế, những DN hỗ trợ có sản phẩm chất lượng đảm bảo, phù hợp và giá cạnh tranh có thể kết nối cung ứng cho các DN khác.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đánh giá, Đồng Nai là một trong 5 tỉnh thành đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều năm qua tỉnh liên tục xuất siêu và xuất siêu mỗi năm đều tăng. Các DN của Đồng Nai nắm bắt và tận dụng được những cơ hội từ các FTA nhanh nên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng cao. |
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa), cho biết: “Từ 2016 đến nay, xuất khẩu dệt may sang các thị trường lớn đều bị cạnh tranh khốc liệt với hàng của Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. Nhưng nhờ uy tín, chất lượng sản phẩm tốt nên công ty vẫn giữ và có thêm nhiều đơn đặt hàng lớn. Vì thế xuất khẩu hàng may mặc của công ty vẫn giữ mức tăng trưởng cao và tiếp tục tuyển thêm công nhân để mở rộng sản xuất đáp ứng các đơn hàng”. Hiện công ty đang xây dựng thêm 1 nhà máy may và khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 3 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ- thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, cho hay: “Năm 2017, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Đồng Nai là một trong 5 năm mặt hàng của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD và mức tăng trưởng trên 10%. Xuất khẩu sang các thị trường đều tăng, nhưng trong đó tăng cao ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đây cũng là 2 thị trường Việt Nam đã ký FTA. Các DN đã có sự chuẩn bị trước nên hàng hóa đáp ứng được yêu cầu để hưởng các ưu đãi về thuế để tăng sức cạnh tranh”. Nhiều DN sản xuất sản phẩm gỗ của Đồng Nai đã chủ động tìm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác nên kim ngạch đã tăng cao so với cùng kỳ. Các DN ngành này cũng khai thác triệt để những thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do như: Hàn Quốc, Nhật Bản,... Gỗ và sản phẩm gỗ là ngành Đồng Nai có xuất siêu cao.
*Chủ động trong hội nhập
Nhiều công ty khi được hỏi đã khẳng định, thị trường xuất khẩu năm 2017 không thuận lợi như những năm trước. Tuy nhiên, các DN vẫn giữ được mức tăng trưởng cao là vì luôn đảm bảo 2 yếu tố quan trọng là giữ uy tín, hàng hóa đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, các DN Đồng Nai liên tục cải thiện quản trị, sản xuất để giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam (TP.Biên Hòa), nói: “Đầu năm 2017 các đơn hàng gia công của Nike tại Việt Nam đều giảm mạnh vì phải chia sẻ bớt cho nhiều nhà máy mới xây dựng ở các nước khác có giá lao động, chi phí rẻ hơn Việt Nam. Song vì có uy tín, đảm bảo chất lượng hàng hóa và thực hiện được các đơn hàng khó khá nhanh nên Tập đoàn Pou Chen ở Việt Nam đã nhận thêm được nhiều đơn hàng lớn từ các hãng giày nổi tiếng khác bù lại”. Biết trước thị trường năm 2017 không mấy dễ dàng nên ngay từ đầu năm nhiều DN của Đồng Nai đã liên tục tìm thêm những đối tác mới để mở rộng xuất khẩu. Nhưng thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là Hàn Quốc tăng gần 88% so với cùng kỳ năm trước, Nhật Bản tăng gần 13%,..
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, nhấn mạnh: “Năm 2017, xuất khẩu của Đồng Nai gặp không ít khó khăn nhưng các DN vẫn tăng được kim ngạch xuất khẩu là nhờ sản xuất kinh doanh giữ được chữ tín và năng động trong tìm thêm khách hàng ở những thị trường đang có ưu thế, trong đó các DN tận dụng khá tốt các cơ hội từ những thị trường Việt Nam đã ký kết FTA. Hiện các DN rất chủ động trong tìm nguồn nguyên liệu trong nước để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm đón đầu FTA Việt Nam- EU và CPTPP”. Ông Dũng còn chia sẻ thêm, về phía tỉnh trong năm rất tích cực trong hỗ trợ DN tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong nước, ra nước ngoài để có cơ hội tìm thêm những khách hàng, đơn hàng mới. Tỉnh sẽ kết nối DN hỗ trợ trong nước với các DN sản xuất để có thể cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau nhằm giảm nhập khẩu dễ dàng hưởng được các ưu đãi về thuế khi xuất sang các thị trường Việt Nam đã ký các FTA như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Chile, ASEAN...
Hương Giang
Bài 2: Thu hút đầu tư nước ngoài về đích sớm