Chiều 24-12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhận định nhiều khu vực trong tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 16 (bão Tembin) có cơ sở hạ tầng, khả năng chống chịu còn hạn chế...
Tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó bão số 16 vào chiều 24-12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh nhận định nhiều khu vực trong tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 16 (bão Tembin) có cơ sở hạ tầng, khả năng chống chịu còn hạn chế; dân cư vùng cửa sông đông đúc, ít có kinh nghiệm ứng phó với bão, do đó công tác ứng phó với bão cần quyết liệt và chủ động hơn bao giờ hết.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn họp triển khai công tác ứng phó bão số 16 vào chiều 24-12. Ảnh: T.HAI |
Đến trưa 24-12 cơn bão số 16 cách quần đảo Trường Sa hơn 200km về phía Đông, dự kiến đêm 25-12 vị trí tâm bão ngay trên bờ biển Vũng Tàu - Cà Mau. Dự báo đây là cơn bão mạnh, có sức tàn phá rất lớn. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15. Mức độ rủi ro thiên tai ở vùng biển gần bờ và đất liền ven bờ là cấp 4.
* Bảo vệ an toàn hồ, đập, vị trí xung yếu
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho hay từ khoảng 10 giờ sáng 25-12, hoàn lưu bão số 16 sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tỉnh Đồng Nai, gây mưa nhỏ nhiều nơi. Sau đó, lượng mưa lớn dần ở phía Nam của tỉnh. Khu vực chịu ảnh hưởng gió mạnh trước hết ở huyện Cẩm Mỹ, sau đó đến các huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Khi đổ vào đất liền, cấp độ bão sẽ giảm xuống, nhưng vẫn gây mưa gió to cho những nơi bão đi qua. Tại Đồng Nai, dự kiến mưa kéo dài đến hết ngày 26-12, lượng mưa trong khoảng 100mm.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của tỉnh đã nhanh chóng cử 2 đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó tại 2 huyện Tân Phú và Nhơn Trạch. Đây là những địa phương có nhiều sông, hồ, đập và các khu vực thường xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng do bão, lũ nhằm có phương án di dời kịp thời.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng tiến hành kiểm tra các khu vực neo đậu tàu, thuyền, các bến đò, phà chở khách qua sông, yêu cầu các chủ phương tiện phải trang bị đầy đủ trang thiết bị cứu sinh đảm bảo an toàn cho hành khách. Khi bão đổ bộ vào phải ngưng hoạt động các phương tiện đường thủy.
Căn cứ vào diễn biến của bão, lực lượng chức năng sẽ di dời 50 hộ với 200 người có nguy cơ sạt lở ven sông của xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), vận động 70 bè cá và 90 thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Tại huyện Tân Phú, khu vực xã Phú Sơn đang xảy ra tình trạng sạt lở đất, do đó địa phương đã tổ chức di dời 13 hộ có nguy cơ ảnh hưởng cao đến tạm lánh nhà dân trong xã. Riêng hồ Đa Tôn, theo nhận định của đoàn kiểm tra hiện mức nước trong hồ vẫn ở ngưỡng an toàn.
Ngoài ra, tại huyện Định Quán, chính quyền địa phương đã vận động tuyên truyền hơn 1 ngàn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên hồ Trị An đến nơi an toàn. Đến 16 giờ ngày 24-12, 5 hộ gia đình thuộc khu vực sạt lở ở xã Tân An và 130 lòng bè của người dân cũng hoàn thành việc di dời.
* Chủ động các phương án cứu hộ, cứu nạn
Thượng tá Ngô Quang Thuấn, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cho biết lực lượng quân đội đang phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và chính quyền các địa phương nhằm huy động lực lượng, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để triển khai ngay các phương án ứng phó với bão.
“Lực lượng quân đội đã chủ động các phương án di dời và đối phó trước và sau khi hoàn lưu của bão ảnh hưởng đến Đồng Nai, các cán bộ, chiến sĩ sẽ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và cứu sập. Trường hợp khẩn cấp, trong vòng 3-5 tiếng đồng hồ sẽ hoàn thành xong công tác sơ tán, di dời tại những khu vực xung yếu, xảy ra sự cố” - Thượng tá Thuấn khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đinh Quốc Thái yêu cầu phải kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, tăng cường gia cố những khu vực có nguy cơ tràn bờ, vỡ, sạt lở khi có mưa lớn xảy ra, đồng thời phải theo dõi, bám sát các công trình thủy lợi, kiểm tra vận hành các hồ chứa. Trong đó, phải khắc phục ngay các hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, điều tiết nước hợp lý để đảm bảo tiêu thoát lũ và an toàn công trình khi có mưa lớn xảy ra.
Tại những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 16, chính quyền địa phương phải rà soát các hộ dân có nhà dưới cấp 4, nhà tạm để có biện pháp chằng chống, bảo vệ và kiên quyết di dời các hộ dân đến nơi an toàn khi có tình huống xấu.
“Điều đáng lo nhất là từ trước đến nay, Đồng Nai ít có bão nên người dân có tâm lý chủ quan, bị động trong việc phòng, chống. Vì vậy, các ngành, địa phương và đơn vị liên quan phải quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nhằm hạn chế những thiệt hại về người và tài sản” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về ứng phó với bão số 16 chiều 24-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả địa phương phải tập trung tuyên truyền để người dân không được chủ quan, theo dõi sát sao diễn biến của bão số 16. Đặc biệt, các địa phương phải huy động tối đa các lực lượng quân đội, công an hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi an toàn; sẵn sàng ứng cứu trước và sau khi bão đổ bộ. Đồng thời, dừng các cuộc họp không cần thiết để chủ động ứng phó với bão số 16. |
Thanh Hải