Báo Đồng Nai điện tử
En

"Đại gia" vào cuộc chống hàng giả

07:12, 18/12/2017

Mỗi tháng, cơ quan chức năng tại Đồng Nai phát hiện và xử lý khoảng 200 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhập lậu, kém chất lượng... Những mặt hàng bị làm giả và nhập lậu nhiều nhất là: mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm và sơn.

Mỗi tháng, cơ quan chức năng tại Đồng Nai phát hiện và xử lý khoảng 200 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhập lậu, kém chất lượng... Những mặt hàng bị làm giả và nhập lậu nhiều nhất là: mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm và sơn. Để bảo vệ thương hiệu, nhiều “đại gia” sản xuất đã cùng vào cuộc chống hàng giả, hàng nhập lậu.

Ông Phan Minh Nhựt, Chủ tịch VACIP, hướng dẫn cách phân biệt giày Nike thật và giả cho lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai. Ảnh: H.GIANG
Ông Phan Minh Nhựt, Chủ tịch VACIP, hướng dẫn cách phân biệt giày Nike thật và giả cho lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai. Ảnh: H.GIANG

Theo Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, biện pháp xử lý chủ yếu là phạt hành chính, tịch thu số hàng giả, nhập lậu, hàng cấm, kém chất lượng, quá hạn sử dụng đưa đi tiêu hủy. Trong đó có không ít vụ lực lượng chức năng đã phát hiện vài tấn mỹ phẩm nhập lậu, sơn, bột trét tường giả.

* Gian nan chống hàng giả

Hiện nay, hàng giả các thương hiệu lớn, nhập lậu theo hình thức xách tay rất nhiều. Những thương hiệu có giá trị sản phẩm cao thường bị giả, nhập lậu nhiều là Nike, L’ Oréal, Levi’s, Lancôme, Vichy, Maybelline, Pond’s, Clear, Close up, Knorr, Masan, Dulux, Maxilite, Ajinomoto... Để bảo vệ người tiêu dùng và hàng hóa của doanh nghiệp (DN), lực lượng chức năng đã kiểm tra định kỳ, đột xuất nếu phát hiện có nghi vấn để kịp thời xử lý hàng giả. Tuy nhiên lượng hàng giả, nhập lậu trên thị trường vẫn khá nhiều và hình thức sản xuất, kinh doanh ngày càng tinh vi hơn.


Theo ông Phan Minh Nhựt, Chủ tịch VACIP, hàng giả các thương hiệu lớn ngày càng tinh vi hơn và mẫu mã, bao bì khá giống với hàng thật nên quá trình phát hiện rất khó khăn. Thời gian qua, hiệp hội đã phối hợp với quản lý thị trường các tỉnh, thành mở những đợt tập huấn phân biệt hàng thật hàng giả để dễ dàng phát hiện xử lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng Nai đã phát hiện, xử lý nhiều vụ lớn về hàng giả, nhập lậu của các thương hiệu lớn về thực phẩm, hóa mỹ phẩm, sơn, bột trét tường, quần áo, giày dép... để thị trường phát triển ổn định hơn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Trưởng phòng Bảo vệ thương hiệu Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh), cho hay: “Unilever là tập đoàn đa quốc gia, các nhãn hiệu tiêu biểu của Unilever được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu là các nhãn hàng như: Lipton, Knorr, Cornetto, Omo, Lux, Vim, Lifebuoy, Dove, Close-Up, Sunsilk, Clear, Pond’s, Hazeline, Vaseline... Thời gian qua, một số cơ sở đã làm giả hàng hoặc nhập lậu từ nước ngoài về làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của công ty. Do đó, công ty đã phối hợp với quản lý thị trường các tỉnh kịp thời phát hiện hàng giả, nhập lậu để xử lý bảo vệ người tiêu dùng trong nước”. Trong 3 năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai đã phát hiện một số vụ làm hàng giả, nhập lậu lớn lên đến vài tấn hàng của nhãn hiệu Knorr, Close - Up, Pond’s,...

Tương tự, ông Trần Văn Sự, Trưởng phòng Bảo vệ thương hiệu Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Dòng sản phẩm nước mắm, nước chấm của Masan là: Chin-Su, Nam Ngư, Đệ Nhị… được người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng. Vì thế, trên thị trường xuất hiện hàng giả thương hiệu làm ảnh hưởng đến cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng”. Cũng theo ông Sự, hàng làm giả thường lấy lại chai cũ và dập lại nắp chai. Cách phân biệt là khi mua hàng người dân cần chú ý kỹ nắp chai, nếu thấy đường dập không rõ nét, chai bị trầy xước là hàng giả.

Theo Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP), cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhập lậu khá gian lan. Vì công nghệ làm giả ngày càng tinh vi và rất giống với hàng thật, nhiều khi phải sử dụng sản phẩm rồi người tiêu dùng mới phát hiện ra.

* Cần người tiêu dùng góp sức

Chống hàng giả, hàng nhập lậu là cuộc chiến kéo dài nhiều năm đòi hỏi các DN, đơn vị quản lý nhà nước, người tiêu dùng phải cùng vào cuộc mới đẩy lùi được. Bởi trên thị trường hàng nhái, giả các thương hiệu khá nhiều, chẳng hạn như áo thun, giày thể thao mang thương hiệu Nike bán các cửa hàng chỉ
200-300 ngàn đồng/sản phẩm, nước hoa Lancôme loại 50-100ml/chai chỉ 500-600 ngàn đồng/chai... chắc chắn là hàng giả, nhưng nhiều người tiêu dùng vì ham rẻ vẫn mua bởi hàng thật giá cao hơn gấp 5-10 lần.

 Hàng giả do Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai phát hiện.
Hàng giả do Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai phát hiện.

Ông Đào Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Luật IP Max (Hà Nội), đại diện cho thương hiệu Levi’s tại Việt Nam, nói: “Không ít người tiêu dùng khi nghe quảng cáo hàng xách tay, khuyến mãi giảm giá sâu đã lầm và mua phải quần jean mang thương hiệu Levi’s giả, giá chỉ bằng 20-40% hàng thật. Để tránh tình trạng này, người tiêu dùng nên đến các trung tâm thương mại lớn, siêu thị hoặc cửa hàng chính hãng để mua sẽ tránh được hàng giả, hàng nhập lậu”.

Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông đối ngoại Công ty TNHH L’Oréal Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh), L’Oréal nổi tiếng thế giới với hàng chục nhãn hiệu về mỹ phẩm, nước hoa như: Lacôme, Vichy, L’Oréal,... Những nhãn hiệu này thường xuyên xuất hiện hàng giả trên thị trường gây tổn thất cho công ty và người tiêu dùng. Cách để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm thật là: không bán ở chợ, cửa hàng mỹ phẩm, trên mạng, không có hình cô gái ngoài vỏ hộp, vỏ chai trong suốt, nắp chai sắc sảo, mùi thơm nhẹ, ống dẫn vòi xịt thẳng…

Hương Giang

Tin xem nhiều