Báo Đồng Nai điện tử
En

"Lên đời" nhờ ghép cải tạo xoài

07:12, 11/12/2017

Nhận thấy việc trồng các giống xoài truyền thống có năng suất không cao và giá cả lại khá bấp bênh, anh Nguyễn Văn Phúc (ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng giống Đài Loan bằng cách ghép cải tạo giống này vào gốc những cây xoài có sẵn.

Nhận thấy việc trồng các giống xoài truyền thống có năng suất không cao và giá cả lại khá bấp bênh, anh Nguyễn Văn Phúc (ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng giống Đài Loan bằng cách ghép cải tạo giống này vào gốc những cây xoài có sẵn.

Vườn xoài Đài Loan ghép cải tạo của anh Nguyễn Văn Phúc (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc).
Vườn xoài Đài Loan ghép cải tạo của anh Nguyễn Văn Phúc (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc).

Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng và năng suất của vườn xoài.

* Lợi nhuận cao

Năm 2010, anh Phúc bắt đầu ghép chuyển đổi sang xoài Đài Loan với diện tích 0,8 hécta từ giống xoài bưởi (xoài ba mùa mưa) do giá cả không ổn định, năng suất lại không cao. Đến nay, toàn bộ diện tích vườn của anh Phúc gần 6 hécta đã chuyển hẳn sang ghép cải tạo giống xoài Đài Loan.

Theo anh Phúc, việc ghép xoài Đài Loan thường được tiến hành bằng 2 cách: ghép bo và ghép chồi. Với kỹ thuật ghép trên cây xoài thì nông dân bỏ chi phí không đáng kể. Nông dân tận dụng được những chồi ghép trên những cây có sẵn tại vườn nên chỉ tốn công ghép.

“Hơn thế nữa, giống xoài Đài Loan có khả năng phòng trừ sâu bệnh cao hơn, ít bị ảnh hưởng từ thời tiết thất thường nên năng suất đạt khá ổn định qua các năm” - anh Phúc nói.

Kể từ vụ thu hoạch đầu tiên vào năm 2012, năng suất xoài Đài Loan được ghép cải tạo tại vườn của anh Phúc tăng và ổn định qua các năm, từ 5 tấn/hécta vào năm 2012 lên đến khoảng 25 tấn/hécta vào năm 2016. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được từ vườn xoài ghép của anh Phúc vào khoảng 430 triệu đồng/hécta trong năm 2016. Riêng trong năm 2017, anh Phúc dự kiến lợi nhuận thu được của anh vào khoảng 570 triệu đồng/hécta.

* Mở rộng thị trường

Anh Phúc cho rằng mô hình cải tạo này cần chuyển đổi từ giống xoài có hiệu quả kinh tế không cao sang giống xoài vừa cho năng suất cao, vừa đáp ứng thị hiếu của thị trường, tránh tình trạng “đổ xô” đi trồng mới, cải tạo tràn lan các giống xoài. Hơn thế nữa, hiện nay giống xoài ghép Đài Loan hầu như chỉ được thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Xu hướng sản xuất hiện nay đòi hỏi nông dân như tôi cần chủ động liên kết, tham gia các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo các tiêu chí, chuẩn nông sản sạch. Từ đó hướng tới mở rộng thị trường, hạn chế lệ thuộc vào thị trường truyền thống như Trung Quốc trong thời gian qua, đồng thời hướng tới phát triển sản xuất bền vững, tạo thương hiệu, nâng cao giá trị cạnh tranh” - anh Phúc chia sẻ.

Hiện anh Phúc đang là thành viên của Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc). Sắp tới, anh sẽ tiếp tục thử nghiệm, hướng tới phát triển các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng vườn xoài ghép theo hướng hiện đại, đáp ứng các chuẩn trong và ngoài nước để “tìm đường” xuất khẩu xoài sang một số thị trường lớn trên thế giới.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều