Tuy đã vào cao điểm sản xuất cuối năm cả tháng nay nhưng nhiều doanh nghiệp (DN)chế biến nông sản vẫn sản xuất bình thường, một số cơ sở thậm chí sản xuất cầm chừng. Nguyên nhân chính là thị trường tiêu thụ nội địa và cả xuất khẩu đều gặp khó.
Tuy đã vào cao điểm sản xuất cuối năm cả tháng nay nhưng nhiều doanh nghiệp (DN)chế biến nông sản vẫn sản xuất bình thường, một số cơ sở thậm chí sản xuất cầm chừng. Nguyên nhân chính là thị trường tiêu thụ nội địa và cả xuất khẩu đều gặp khó.
Chế biến nông sản sấy tại Công ty TNHH Vân Phát (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom). |
Sức tiêu thụ chậm, nguồn nguyên liệu đầu vào biến động khiến nhiều DN vừa phải xoay xở, điều chỉnh lại trong khâu sản xuất vừa tăng cường chính sách bán hàng.
* Bươn chải bán hàng cuối năm
Theo nhiều DN trong ngành chế biến nông sản, những tháng cuối năm nay hầu như không có cao điểm sản xuất mùa tết như mọi năm, thậm chí có cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng.
Bà Trần Thị Hoa, chủ Cơ sở chuối sấy Cường Hoa tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), lo lắng: “Cuối năm nhưng cơ sở lại hoạt động cầm chừng do nhiều tháng nay sức tiêu thụ của các mặt hàng chuối chiên, chuối sấy rất chậm nên sản lượng hàng tồn lớn. Nhiều mặt hàng trái cây, rau củ sấy cũng gặp khó khăn về đầu ra. Thời điểm này, cơ sở hầu như vẫn chưa có đơn hàng tết nên tôi càng không tính đến chuyện đẩy mạnh sản xuất cuối năm”.
Cũng gặp khó khăn như trên, ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (xã Phú Túc, huyện Định Quán), chia sẻ: “Mọi năm, từ đôi ba tháng trước DN đã tổ chức tăng ca làm hàng tết. Nhưng năm nay, đến bây giờ DN vẫn chưa hoạt động hết công suất. DN cũng không có đơn đặt hàng mùa tết như mọi năm. Xuất khẩu cũng rất chậm, nhất là thị trường Trung Quốc vốn ăn hàng mạnh. Các DN trong ngành chế biến cạnh tranh nhau bằng giá, vừa giảm sản lượng, đồng lời mỗi đơn hàng cũng ít hơn khiến DN càng khó khăn”.
Ông Bùi Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom), cũng cùng chung nhận xét: “Khó khăn nhất hiện nay của DN là cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều chậm hơn nhiều so với mọi năm cả với dòng hàng trái cây sấy và rau củ quả đông lạnh. Áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, DN phải tìm mọi cách xoay xở để bán hàng”.
* Yếu thế trong cạnh tranh
DN lại càng khó khăn khi một số loại nguyên liệu chế biến đầu vào tăng đột biến. Thời tiết thất thường khiến nhiều loại nông sản mất mùa, DN phải bỏ nhiều công hơn trong ổn định nguồn nguyên liệu chế biến. Bà Trần Thị Kim Dư, Giám đốc Công ty TNHH bánh kẹo Yến Nhi (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), tính toán: “Giá hạt điều đầu vào tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, giá mè, giá đậu...cũng tăng cao. Thị trường vốn chậm hơn mọi năm, giá sản phẩm lại cao nên càng khó tiêu thụ. Đơn hàng xuất khẩu cũng giảm mạnh so với mọi năm”.
Ông Đào Cao Thức, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thực phẩm Ánh Nhi (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), cho biết: “Vài tháng trở lại đây nguồn nguyên liệu nấm bào ngư tươi tăng giá quá cao. DN buộc phải tạm ngừng sản xuất dòng hàng này mà mở rộng ra sơ chế các mặt hàng rau củ quả tươi cung cấp vào siêu thị và bếp ăn công nghiệp. Mùa cuối năm, DN cũng chỉ tập trung vào dòng hàng nấm linh chi làm quà tặng chứ không đa dạng các dòng chế biến từ nấm như trước”.
Khi đầu tư vào ngành chế biến các loại siro, sinh tố trái cây cô đặc, Công ty TNHH Long Kim (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) mong muốn tiêu thụ được nhiều nguyên liệu trái cây cho tỉnh Đồng Nai. Nhưng nguyên liệu chế biến của DN hiện nay vẫn phải thu gom từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, chủ yếu là các tỉnh miền Tây vì chưa kết nối được với các hợp tác xã, các đầu mối cung cấp trái cây tại Đồng Nai.
Đại diện của Công ty TNHH Long Kim còn lo ngại: “Áp lực cạnh tranh của ngành hàng nông sản chế biến ngày càng lớn vì hàng nhập khẩu đang ồ ạt tràn về. Nhưng điều doanh nghiệp chúng tôi lo ngại nhất vẫn là dòng hàng nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Dòng hàng này đang tràn lan ngoài thị trường và không hề được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng nhưng vẫn được bán đại trà, tiêu thụ mạnh vì giá rẻ”.
Bình Nguyên