Hơn 287 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa giá thuê đất cũ và mới ở KCN Biên Hòa 1 hiện đang bị "treo" khá lâu, do Nhà nước truy thu tiền thuê đất từ cách đây nhiều năm, nhưng doanh nghiệp báo không có cơ sở để tính,...
Hơn 287 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa giá thuê đất cũ và mới ở Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 đang bị “treo” nhiều năm qua. Nguyên nhân là do Nhà nước truy thu tiền thuê đất của doanh nghiệp (DN) từ cách đây nhiều năm, nhưng DN báo không có cơ sở để tính, đã đẩy câu chuyện vào thế giằng co.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1. |
Đây là khoản tiền khá lớn đối với các DN, song không phải là lớn đối với nguồn thu ngân sách của Đồng Nai nhưng do vướng vào quy định nên buộc phải thực hiện.
* Bảo vệ doanh nghiệp bất thành
Theo UBND tỉnh, thực hiện chủ trương của Chính phủ chỉnh trang nâng cấp hạ tầng KCN Biên Hòa 1, từ năm 2000 Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) đã triển khai nâng cấp. Theo đó, Sonadezi ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên - môi trường là 800 đồng/m2/năm và ký kết hợp đồng với các DN ở đây cho thuê lại bằng giá mà Sonadezi thuê của Sở Tài nguyên - môi trường.
Hợp đồng thời điểm này được ký không có nội dung điều chỉnh giá đất tăng theo thời gian. Như vậy, thực chất Sonadezi làm trung gian thay tỉnh thu tiền thuê đất tại KCN này.
Năm 2005, Chính phủ có Nghị định 142/2005/NĐ-CP (ngày 14-11-2005) về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Đối với KCN Biên Hòa 1, giá cho thuê đất lúc này tăng lên khá cao. Cụ thể, ở vị trí cao nhất lên đến 17.500 đồng/m2/năm và vị trí thấp nhất cũng lên đến 7 ngàn đồng/m2/năm và chu kỳ thuê là 5 năm, nghị định có hiệu lực từ năm 2006.
“Việc thay đổi chính sách với mức tăng cao như thế thì DN sẽ không chịu nổi. Thực chất ở đây không phải là Sonadezi chịu khoản tiền này mà các DN thuê cụ thể phải chịu. Do đó, UBND tỉnh đề xuất lên Trung ương để xin cơ chế riêng cho KCN này nhằm giảm mức nộp tiền thuê đất cho các DN” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, kiến nghị của Đồng Nai về việc tính tiền thuê đất ở KCN này là 800 đồng/m2/năm và tính tăng thêm 15%, vì KCN Biên Hòa 1 đã được hình thành từ khá lâu. UBND tỉnh đã có rất nhiều văn bản, tờ trình cũng như tổ chức các buổi làm việc trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với Trung ương.
Đến năm 2009, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đồng ý nguyên tắc theo tờ trình của Đồng Nai, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn và xử lý từng trường hợp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã dẫn giải Nghị định 142/2005/NĐ-CP áp dụng cho cả nước nên không thể để KCN Biên Hòa 1 được hưởng chính sách riêng.
Sau đó, Bộ Tài chính lại xây dựng Nghị định 135/2016/NĐ-CP (ngày 9-9-2016) thay thế cho Nghị định 142/2005/NĐ-CP. Lúc này, giá thuê đất theo nghị định mới bằng với giá kiến nghị của tỉnh đề xuất cho KCN Biên Hòa 1 trước đây.
Năm 2016, Nghị định 135 có hiệu lực. UBND tỉnh yêu cầu thu tiền đất của KCN Biên Hòa 1 theo nghị định mới và chỉ đạo Sonadezi ký lại phụ lục hợp đồng với các DN thuê đất tại KCN Biên Hòa 1. Mức thu giá mới được tính từ năm 2006 đến năm 2020.
* Doanh nghiệp kêu khó
Ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Sonadezi, cho biết hiện có 74 DN đang thuê đất và sử dụng hạ tầng của Sonadezi trong KCN Biên Hòa 1. Có 10/74 DN đã ký hợp đồng thuê lại đất và sử dụng hạ tầng theo đơn giá thuê đất điều chỉnh; 5 DN chấp thuận truy thu tiền thuê đất và đang tiến hành ký phụ lục hợp đồng, còn lại 59 DN không chấp thuận khoản tiền truy thu trên.
Ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa, cho rằng việc truy thu tiền thuê đất từ năm 2006-2016 là rất khó. Bởi DN đã thay đổi hình thức hoạt động, mọi quyết định do cổ đông, HĐQT không thể tự quyết. Bên cạnh đó, cổ tức hàng năm cũng đã chia hết cho cổ đông nên việc truy thu là rất khó. Trong khi đó, chi phí giá thuê đất được DN đưa vào tính toán cho chiến lược phát triển. Đây cũng là quan điểm của nhiều DN trong KCN Biên Hòa 1.
Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhất Nam, cũng đồng quan điểm với các DN, cho rằng việc ký lại phụ lục hợp đồng từ năm 2017 để tính toán phương án kinh doanh là cần thiết. Đối với khoản tiền truy thu, UBND tỉnh cần để DN đàm phán với Sonadezi vì liên quan đến phân bổ tài chính của DN. “Trong thời gian thương lượng, cơ quan thuế không nên áp dụng chế tài đối với DN để không gây áp lực cho DN”- ông Bình nói.
Đại diện Công ty cổ phần tấm lợp - vật liệu xây dựng Đồng Nai đưa ra phương án: DN đã qua cổ phần phải thông qua đại hội cổ đông, khi cổ đông thông qua, DN cần có thời gian thực hiện nên phải giãn nộp từ 3-5 năm. Nếu bắt buộc nộp trong 30 ngày từ khi ký lại phụ lục hợp đồng như vậy đẩy DN vào thế khó, bởi chính DN cũng bị truy thu hơn 11,5 tỷ đồng. Trong khi đó Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Tấn Lợi cho rằng với các trường hợp này việc hạch toán nộp 1 lần hay nhiều lần là do DN xây dựng phương án và đề xuất với cơ quan thuế
Khắc Giới