Với ý chí nghị lực của bản thân, từ 2 bàn tay trắng ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phước Ngân (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) là tấm gương vượt khó khởi nghiệp tại địa phương.
Với ý chí nghị lực của bản thân, từ 2 bàn tay trắng ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phước Ngân (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom) là tấm gương vượt khó khởi nghiệp tại địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Phước (trái) trao đổi làm việc với công nhân. |
Đi lên từ công nhân, ông Phước đã thành lập công ty sản xuất gỗ xuất khẩu tạo việc làm cho hàng chục công nhân.
* Vượt khó lập nghiệp
Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em tại tỉnh Sông Bé cũ, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, năm 1990 ông Nguyễn Hữu Phước theo gia đình về lập nghiệp tại xã Giang Điền. Để giúp đỡ gia đình, ông Nguyễn Hữu Phước đi làm thuê cho xưởng gỗ tại phường Tân Biên (TP.Biên Hòa). Nhờ cần cù và chịu khó học hỏi, ông Phước được chủ doanh nghiệp giao công việc kiểm tra chất lượng gỗ, sau đó là quản lý chất lượng với nhiệm vụ kiểm tra chất lượng cuối cùng trước khi lô hàng xuất khẩu. Sau hơn 10 năm làm việc, ông quyết định xin nghỉ việc, quay về quê tự khởi nghiệp bằng chính cái nghề mình đã tích lũy kinh nghiệm bao nhiêu năm qua. Năm 2001, ông Phước quyết định mở xưởng gỗ của riêng mình.
Ông Phước chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp bằng một xưởng nhỏ chuyên nhận gia công sản phẩm cho các công ty gỗ tại phường Tân Biên. Đến cuối năm 2003, sau khi tìm được thị trường và có nhiều đơn đặt hàng, tôi thành lập Doanh nghiệp tư nhân gỗ Phước Ngân”. Hiện công ty này đang tạo việc làm cho từ 50-60 công nhân.
Xưởng mới chưa có nhiều vốn để đầu tư mua gỗ sản xuất, lượng khách hàng cũng chưa nhiều nên thời gian đầu xưởng chủ yếu nhận làm hàng gia công cho doanh nghiệp khác và các đơn hàng nhỏ tiêu thụ trong nước. Để giữ chân khách, khi có đơn hàng ông Phước thường lấy giá phải chăng, với uy tín chất lượng và dịch vụ tốt, giao hàng đúng thời gian và đảm bảo chất lượng.
* Mở rộng xuất khẩu
Nhờ chú trọng vào chất lượng sản phẩm và giá cả hợp lý, hơn 2 năm hoạt động xưởng của ông Phước đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng trực tiếp của khách ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó xuất khẩu tốt vào thị trường khó tính là Nhật Bản. Ông Phước kể: “Một mặt, tôi chú tâm làm tốt các đơn hàng gia công của khách. Mặt khác, tôi luôn đến các xưởng lớn học tập thêm kinh nghiệm, gặp gỡ khách hàng để tìm hiểu thêm về nhu cầu sử dụng hàng mộc hiện nay”.
Không chỉ quan tâm đến khâu sản xuất và thị trường, ông Phước cũng rất chăm lo cho đời sống công nhân. Ông luôn vui vẻ, niềm nở với công nhân, quan tâm mọi mặt từ mặt vật chất đến tinh thần.
Hiện nay, xưởng gỗ của ông Phước đã được mở rộng với hơn 2 ngàn m2 từ doanh nghiệp tư nhân tiến đến thành lập công ty. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí ông thu nhập ròng gần 2 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, hàng năm ông Phước trích hàng trăm triệu đồng để thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, người nghèo trên địa bàn; đóng góp làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới.
Phan Trí