Hiện toàn huyện Cẩm Mỹ đã có hơn 120 hécta tiêu bị chết, trong đó Lâm San là xã có diện tích tiêu chết nhiều nhất huyện với hơn 100 hécta. Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã xuất hiện tình trạng tiêu úng, úa vàng rồi lụi tàn.
Hiện toàn huyện Cẩm Mỹ đã có hơn 120 hécta tiêu bị chết, trong đó Lâm San là xã có diện tích tiêu chết nhiều nhất huyện với hơn 100 hécta. Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã xuất hiện tình trạng tiêu úng, úa vàng rồi lụi tàn.
Kiểm tra vườn tiêu bị bệnh chết nhanh tại một nhà vườn xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ. |
Theo kinh nghiệm của những hộ trồng tiêu lâu năm, hiện tượng tiêu chết là do thời tiết thất thường, mưa liên tục nhiều ngày liền với lưu lượng nước lớn, đất không thoát nước kịp gây úng khiến nấm bệnh chết nhanh, chết chậm lan rộng thành dịch trên cây tiêu.
* Không kịp trở tay
Những cơn mưa kéo dài vào giữa tháng 9 vừa qua làm cho nhiều nhà vườn trồng tiêu ở xã Lâm San không thể trở tay. Vườn tiêu 1,5 hécta của nhà ông Nguyễn Văn Khốn (xã Lâm San) chịu ảnh hưởng nặng nề của những cơn mưa đó. Mặc dù trước đó ông đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc cây theo đúng quy trình nhưng tiêu vẫn nhiễm bệnh và chết. Đến nay, khoảng 10% tổng diện tích toàn vườn tiêu của gia đình ông bị chết do ngập úng và nhiễm bệnh. Ông Nguyễn Văn Khốn cho biết: “Chưa có năm nào vườn tiêu của tôi chết nhiều như năm nay. Tôi nghĩ năm nay mưa quá nhiều khiến tiêu phát bệnh. Giờ tôi chỉ trông mong trời chuyển nắng thì có khả năng dịch bệnh mới giảm”.
Những hộ trồng tiêu ở vùng đất trũng còn thiệt hại nặng nề hơn. Do lượng mưa nhiều cộng với vùng đất trũng khó thoát nước nên càng làm cây tiêu nhiễm bệnh nhiều hơn. Vườn tiêu của gia đình anh Chý Nhịch Và (xã Lâm San), đã chết khoảng 30%. Trước đó dù biết rằng cây tiêu chịu nước kém, nhưng do giá cây tiêu những năm qua luôn ở mức cao nên nông dân trồng liều. Những năm trước lượng mưa ít nên cây tiêu vẫn phát triển. Riêng năm nay lượng mưa nhiều nên nông dân dù đã chủ động khơi thông dòng chảy, nhưng vẫn không thoát nước kịp do mưa lớn kéo dài dẫn đến nấm bệnh xâm nhập làm tiêu chết tràn lan. Anh Chý Nhịch Và chia sẻ: “Trước hết tôi phải đào mương thông thoáng cho khỏi lây lan bệnh qua cây khác. Tôi vét mương khoanh vùng, cây nào chết xử lý ngay. Những cây sống tôi cũng rắc vôi khoanh vùng để khỏi lây lan qua. Nhưng mưa nhiều, đất trũng thoát nước không kịp nên bệnh vẫn tiếp tục lây lan khiến hơn 300 nọc tiêu chết”.
* Tập trung phòng dịch
Trước tình hình dịch bệnh lan rộng như hiện nay, ngành chức năng huyện Cẩm Mỹ khuyến cáo nông dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tránh lây lan trên diện rộng trong thời gian tới bằng các biện pháp, như: thu dọn, đốt bỏ ngay những cây tiêu có dấu hiệu bệnh, hoặc đã nhiễm bệnh; tập trung làm kênh, mương thoát nước cho tiêu; cải tạo đất bằng cách tăng cường phân hữu cơ vi sinh; không trồng lại tiêu mới trên vùng đất đã nhiễm bệnh; hạn chế hộ dân lui tới từ vườn bệnh sang vườn chưa nhiễm bệnh, tránh tình trạng mang mầm bệnh từ vườn này sang vườn khác để hạn chế mầm bệnh xâm nhập làm cây tiêu chết…
Ông Ngô Văn Truyền Lâm, Trưởng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Cẩm Mỹ, khuyến cáo nông dân: “Thời gian gần đây, cây tiêu bị chết nhanh lan rộng tại nhiều vùng tiêu trên địa bàn huyện. Nguyên nhân chính là do khoảng 10 ngày liên tiếp có mưa lớn, nhất là khu vực Lâm San, làm cho cây tiêu chết khá nhiều. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện triển khai các lớp tập huấn ở những vùng trồng tiêu, khuyến cáo cho người dân trực tiếp trên vườn để bà con nông dân hiện tốt hơn, khống chế được dịch bệnh”.
Theo nông dân trồng tiêu, nếu thời tiết vẫn diễn biến khắc nghiệt như hiện nay, nhất là mưa còn kéo dài gây ngập úng, bệnh trên cây tiêu có nguy cơ tiếp tục lan rộng thành dịch. Ông Hoàng Văn Lập, nông dân giàu kinh nghiệm trồng tiêu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Mưa lớn kéo dài liên tục khiến việc phòng và xử lý bệnh trên cây tiêu rất khó khăn. Một số nông dân trong vùng vườn tiêu bị chết nhiều đến hỏi tôi kinh nghiệm xử lý. Vườn nhà tôi cũng bắt đầu có tiêu chết dù chưa nhiều, nhưng đây là giai đoạn rất nhạy cảm. Người trồng tiêu nào cũng bám sát vườn, trông mong trời bớt mưa để bệnh trên cây tiêu không bùng phát thành dịch”.
Thúy Hằng - Nhật Thanh