Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân "đua" trồng bưởi da xanh

11:10, 01/10/2017

Vài năm trở lại đây, giá bưởi ổn định ở mức cao khiến loại trái cây này vượt lên thuộc nhóm đầu về lợi nhuận. Cây trồng này còn rất giàu tiềm năng khi thị trường xuất khẩu cũng đang rộng cửa.

Vài năm trở lại đây, giá bưởi ổn định ở mức cao khiến loại trái cây này vượt lên thuộc nhóm đầu về lợi nhuận. Cây trồng này còn rất giàu tiềm năng khi thị trường xuất khẩu cũng đang rộng cửa.

Nông dân cần quan tâm sản xuất an toàn theo chuẩn xuất khẩu để trái bưởi có đầu ra bền vững. (Ảnh chụp tại vườn bưởi xã Thanh Sơn, huyện Định Quán).
Nông dân cần quan tâm sản xuất an toàn theo chuẩn xuất khẩu để trái bưởi có đầu ra bền vững. (Ảnh chụp tại vườn bưởi xã Thanh Sơn, huyện Định Quán).

Diện tích trồng cây bưởi của Đồng Nai đã phát triển nhanh chóng, hiện ở mức gần 3 ngàn hécta. Nông dân vẫn tiếp tục đua nhau mở rộng diện tích cây trồng này. Vấn đề đặt ra là Đồng Nai cần phát triển cây trồng này theo quy hoạch, đạt tiêu chuẩn an toàn đáp ứng cả yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

* Vượt lên nhóm đầu về lợi nhuận

Ông Phan Văn Dẫu là một trong những tỷ phú nông dân với vườn bưởi rộng hơn 3 hécta tại xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom). Theo ông Dẫu: “Vài ba năm trở lại đây giá bưởi luôn ổn định ở mức cao, nhất là năm nay nhiều đợt bưởi sốt giá vì nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng cao. Hiện 1 hécta bưởi đạt năng suất cho thu nhập tiền tỷ, bỏ xa nhiều loại cây trồng khác. Tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích, đăng ký thành lập trang trại chuyên canh cây bưởi”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Long Sang, chủ trang trại tổng hợp Quang Sang (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán), nhận xét: “Đất Thanh Sơn thời xưa nổi tiếng xa gần về trái quýt đường với diện tích hàng trăm hécta. Nhưng giờ cây quýt và nhiều loại cây trồng khác đang nhường chỗ cho cây bưởi dần vươn lên đứng đầu về lợi nhuận”.

Từ kinh nghiệm tham gia nhiều chương trình hội chợ, trưng bày sản phẩm từ Nam ra Bắc, ông Sang cho rằng Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển giống cây bưởi. Chất lượng bưởi và cây có múi của Đồng Nai không thua các vùng khác, thậm chí tốt hơn vì nhiều lần đạt giải cao trong các hội thi trái cây ngon.

Theo nhiều nông dân trồng bưởi, tuy diện tích bưởi đang tăng nhanh nhưng nông dân không lo về đầu ra vì thị trường trái cây này cung vẫn chưa đủ cầu, trái bưởi lại thu hoạch rải vụ quanh năm, bảo quản được lâu nên không lo cảnh ứ hàng, dội chợ.

Ông Nguyễn Phan Biên, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Đồng Nai, cho biết: “Bưởi là cây trồng chủ lực của Đồng Nai đang được nhiều địa phương tập trung phát triển. Chỉ tính riêng huyện Vĩnh Cửu hiện đã nhân rộng được khoảng 1.100 hécta bưởi. Địa phương này không chỉ hình thành những vùng chuyên canh cây bưởi mà còn kết hợp với mô hình du lịch sinh thái với nhiều sản phẩm chế biến từ trái bưởi để nâng cao giá trị cho cây trồng này”. 

* Cần định hướng kỹ

Tính về bài toán đầu ra cho cây bưởi, ông Võ Văn Vịnh, Phó ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất), cho hay: “Có doanh nghiệp về Đồng Nai tỏa đi khắp các huyện mà vẫn khó gom đủ 2 container bưởi xuất khẩu. Tiềm năng thị trường cho trái bưởi Đồng Nai còn rất lớn, nhất là vài năm tới chợ đầu mối sẽ đầu tư giai đoạn 2 có trung tâm thu mua, đóng hàng trái cây, nông sản trực tiếp xuất khẩu”.

Tuy nhiên cũng theo ông Vịnh, thời gian qua giá bưởi đang tăng ảo do thị trường cung vẫn chưa đủ cầu. Khi diện tích bưởi phát triển mạnh, đạt sản lượng lớn, loại trái cây này sẽ dần trở về giá trị thực. Có thể cây bưởi sẽ không đạt lợi nhuận “khủng” như hiện nay nhưng vẫn có đầu ra bền vững với lợi nhuận tốt.

Theo bà Nguyễn Thị Dòn, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Định Quán: “Toàn huyện hiện có trên 700 hécta trồng bưởi, chủ yếu là giống bưởi da xanh. Tuy nhiên, cây bưởi vẫn phát triển tự phát mà chưa hình thành được các vùng chuyên canh. Chúng tôi đang hướng dẫn nông dân trồng bưởi theo hướng chuyên canh, an toàn đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều