Sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết các hiệp định thương mại tự do, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tiến vào "sân chơi" toàn cầu nhanh hơn.
Sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết các hiệp định thương mại tự do, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tiến vào “sân chơi” toàn cầu nhanh hơn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp Đồng Nai. |
Trong những năm qua, hàng hóa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của các DN trong nước liên tục tăng, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi năm đều tăng trên 10%. Các DN Việt khá năng động trong việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thay đổi sản xuất truyền thống, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường thế giới.
* Không đứng ngoài cuộc
Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, cho rằng chủ DN cần phải có kiến thức, không thể mày mò bằng kinh nghiệm. “Trong lúc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi lượng kiến thức rất nhiều, tôi nghĩ chủ DN cần chủ động học để đáp ứng. Việc học có rất nhiều hình thức bằng những khóa ngắn hạn, dài hạn... Nếu không được đào tạo sẽ bị bỏ rơi ngay” - ông Điềm trăn trở. Cũng theo ông Điềm, khó khăn của các DN nhỏ và vừa khi đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là công nghệ thay đổi quá nhanh. Để đầu tư theo công nghệ, đối với lĩnh vực sản xuất khá tốn kém, trong khi vốn của các DN này lại luôn ở mức khó khăn. |
Tại buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam vừa được Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, chia sẻ với các doanh nhân của tỉnh về vấn đề tồn tại của DN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Dương, để tồn tại, các doanh nhân thực sự phải “sống vì nghề và luôn đổi mới”. Công nghệ thay đổi dẫn đến cách thức bán hàng, sản xuất cũng phải thay đổi theo. Khách mua hàng hiện nay không còn phải đi ra cửa hàng hay siêu thị hoặc tìm đến các nơi bán, mà chỉ trên các ứng dụng điện thoại là có thể mua được. Vì vậy, chủ DN không ý thức để thay đổi thì rất khó tồn tại. Có những DN khổng lồ trên thế giới nhưng không thay đổi kịp cũng bị loại khỏi cuộc chơi.
Ông Dương lấy ví dụ như hãng điện thoại đình đám một thời Nokia, khi điện thoại thông minh (smartphone) ra đời, hãng này không kịp thay đổi nên đã “văng” khỏi thị trường.
Nhưng DN phải đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này như thế nào? Theo ông chủ hãng ô tô Trường Hải, về sản xuất, DN cần tính đến ứng dụng tự động hóa, máy móc thay thế con người để nâng cao năng suất và giảm các chi phí. Về quản trị, chủ DN điều hành kinh doanh phải phù hợp với quy mô, phải nắm rõ nguyên tắc không có gì là bất biến và phải điều chỉnh để cho nó phù hợp với thực tế. Và, muốn thành công, chủ DN cần đến quản trị đặc thù dựa trên các vấn đề thực tiễn trong kinh doanh.
“Các DN có thành công hay không phải hỏi có tính quản trị đặc thù hay không, nếu không có tính đặc thù thì rất khó” - ông Dương lưu ý.
Một vấn đề sống còn khác là đào tạo nguồn nhân lực. Ông cho rằng trong bối cảnh mới, muốn tồn tại chủ DN cần học hành và vận dụng sáng tạo vì phải dựa vào trình độ, trí tuệ. Trong đó, nguồn lực tri thức sáng tạo của mỗi người trong DN phải được khơi dậy, tập hợp lại thành tài sản của tập thể và là sáng tạo của DN.
Ông Dương nói: “Doanh nghiệp phải tạo ra được sự sáng tạo và khuyến khích nó, tạo ra nguồn lực tri thức. Kể cả Trường Hải cũng đang mong muốn phải thay đổi”.
* Bắt kịp để không bị loại
Theo chia sẻ của nhiều doanh nhân, muốn tồn tại và phát triển lớn mạnh buộc DN phải ứng dụng khoa học - công nghệ, thay đổi tư duy sản xuất cũ. Như vậy, sản phẩm làm ra mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Việc đưa máy móc, dây chuyền tự động hóa để tăng năng suất, chất lượng, giảm lao động là một trong những vấn đề cấp bách với DN. Thay đổi máy móc sản xuất mới hiện đại là một bài toán khó với DN vừa và nhỏ vì đòi hỏi nguồn vốn lớn, đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ, tay nghề cao mới đáp ứng được.
Dây chuyền sản xuất găng tay cao su tự động của Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành). |
Ông Lâm Thanh Đức, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Để trở thành một DN cung ứng cho thị trường khoảng 150 ngàn trứng gà sạch/ngày như hiện nay, tôi đã phải làm cuộc cách mạng lớn trong sản xuất là thay đổi toàn bộ máy móc cũ bằng dây chuyền máy móc hiện đại. Hiện nay, các trang trại chăn nuôi của tôi đều được tự động hóa gần hết các khâu”.
Cũng theo ông Đức, muốn không bị “rớt” lại trong cuộc cách mạng 4.0, DN nên chịu tìm hiểu, học hỏi và huy động nguồn vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại và làm chủ công nghệ.
Thông tin từ Sở Công thương cho hay chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh mỗi năm đều giữ mức tăng trưởng khoảng cao khoảng 8%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trên 11%/năm. Thị trường xuất khẩu chính của DN Đồng Nai là: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, mẫu mã. Để cạnh tranh được với DN các nước trên cùng lĩnh vực các DN Đồng Nai liên tục đổi mới, tiếp cận khoa học công nghệ để cho ra những sản phẩm tốt, giá rẻ. |
Do có sự chuẩn bị kỹ cả về vốn, con người, nên khi ông Đức đưa các dây chuyền sản xuất mới vào hoạt động, mọi việc đều rất trơn tru, năng suất tăng cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo và giảm 70% lao động phổ thông so với trước đây. Mọi thao tác từ kiểm tra sức khỏe, môi trường, nhiệt độ cho đàn gà đến khâu cho ăn uống, thu trứng, phân loại, kiểm tra chất lượng, đóng hộp đều được thao tác trên máy móc.
Vì thế sản phẩm trứng gà sạch Thanh Đức không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đang chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên bao bì Ngọc Thanh Phước (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “DN không tiếp cận, sử dụng máy móc công nghệ hiện đại vào trong sản xuất rất khó đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao và khắt khe của các khách hàng. Để bán được sản phẩm bao bì các loại cho những DN nước ngoài, công ty phải đầu tư lại dây chuyền sản xuất và đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân có trình độ tay nghề cao mới đáp ứng được”.
Theo bà Tuyến, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, DN nào chậm chân rất dễ bị loại vì không đáp ứng được những đòi hỏi về chất lượng, số lượng và mẫu mã sản phẩm.
Theo Cục Hải quan Đồng Nai, mỗi năm nhập khẩu máy móc thiết bị của các DN của tỉnh đều tăng hơn 10%, trong đó phần lớn là máy móc thiết bị hiện đại. Điều này cho thấy các DN Đồng Nai rất quan tâm việc ứng dụng các dây chuyền mới hiện đại vào trong sản xuất để sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong sân chơi toàn cầu.
Hương Giang - Khắc Giới