Các tập đoàn lớn sau khi đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp đều muốn tìm đối tác cung ứng nguyên phụ liệu trong nước để bớt nhập khẩu. Bởi tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, doanh nghiệp chủ động hơn.
Các tập đoàn lớn sau khi đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp đều muốn tìm đối tác cung ứng nguyên phụ liệu trong nước để bớt nhập khẩu. Bởi tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, doanh nghiệp (DN) chủ động sản xuất và hưởng các lợi thế khi xuất khẩu vào các nước tham gia hiệp định thương mại với Việt Nam.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Dongjin Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa). Doanh nghiệp này đang muốn liên kết với doanh nghiệp trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. |
Vì thế, các DN trong nước nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng hàng hóa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn đa quốc gia. Trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, đồng nghĩa với việc DN trong nước đã vào được chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Đòi hỏi khắt khe
Nhu cầu mua nguyên phụ liệu trong nước để sản xuất của các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác là rất lớn. Sản phẩm của các tập đoàn trên ngoài việc cung cấp cho thị trường nội địa thì còn xuất khẩu. Do đó họ luôn đòi hỏi cao, khắt khe với DN cung ứng nguyên liệu cho mình. Chất lượng hàng hóa luôn được đặt lên hàng đầu và phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp đến là số lượng cùng các yêu cầu khác về lao động, môi trường...
Bà Lê Nhật Thùy, Phó tổng giám đốc phụ trách tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) thuộc Tập đoàn C.P Thái Lan, cho biết: “Riêng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty tại Việt Nam đã có 400 DN trong nước cung ứng nguyên liệu với số lượng khoảng 4 triệu tấn/năm. Công ty vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất nên những DN đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hàng hóa có thể liên hệ tham gia chuỗi cung ứng”.
“Để cung cấp nguyên liệu ngũ cốc cho C.P Việt Nam, công ty phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới về chất lượng. Có được chứng nhận trên, công ty bán 150 ngàn tấn ngũ cốc/năm cho C.P và còn xuất khẩu qua nhiều thị trường khó tính khác. Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, DN khẳng định được thương hiệu, đầu ra thuận lợi hơn, doanh thu tăng cao” - ông Nguyễn Tuấn Nam, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Khai Anh - Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận) chia sẻ. Do có đầu ra ổn định, DN này kết nối bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân nhiều tỉnh.
Ông Nobuyasu Ohashi, Giám đốc Công ty TNHH Tiger Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), cho hay: “Công ty chuyên sản xuất nồi cơm điện, bình thủy điện, dụng cụ nấu bếp, song chỉ tìm được DN trong nước cung ứng nguyên liệu khoảng 10%, còn lại là nhập khẩu. Công ty đang tìm các DN trong nước có thể cung ứng được nguyên liệu nhiều hơn nữa để giảm nhập khẩu”.
Đây là DN có bề dày gần 100 năm tại Nhật Bản, sản phẩm xuất khẩu qua nhiều quốc gia. Vì thế, những DN cung ứng sản phẩm cho Tiger sẽ dễ dàng trở thành đối tác cung ứng cho một số tập đoàn đa quốc gia khác trên lĩnh vực này. Những tập đoàn, DN đa quốc gia khác tại Đồng Nai như: Hyosung, CJ, Fujitsu, Kenda, Syngenta... đều cho hay muốn tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước, hạn chế nhập khẩu.
* Cần nắm cơ hội nhanh
Theo các chuyên gia về kinh tế, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vì vậy DN trong nước nên nhanh tay nắm bắt các công nghệ hiện đại ứng dụng vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa. Như vậy, DN sẽ dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có đầu ra ổn định.
Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: “DN muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nên ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đang có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào nước ta rất cần nguồn nguyên liệu nội địa để hưởng các ưu đãi khi xuất khẩu. DN chậm chân qua cơ hội trên sau này rất khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Đại diện của một số tập đoàn, DN đa quốc gia khác tại Đồng Nai đều cho hay, họ sẵn sàng hướng dẫn DN trong nước thực hiện các loại máy móc, quy trình nào để đủ khả năng cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp.
“Công ty chuyên sản xuất dây điện cung ứng cho các DN sản xuất máy móc thiết bị điện trong và ngoài tỉnh. Để trở thành nhà cung ứng cho những tập đoàn lớn, công ty liên tục đầu tư máy móc hiện đại để sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn của khách hàng. Cũng nhờ đầu tư máy móc hiện đại nên sản phẩm của công ty ngày càng được nhiều DN nước ngoài tín nhiệm và đặt hàng với số lượng lớn” -ông Lê Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Á Thành (TP.Biên Hòa) bày tỏ.
Thời gian qua, những DN trong nước tại Đồng Nai tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đều là các DN kịp thời nắm bắt công nghệ mới, hiện đại ứng dụng vào sản xuất và xem trọng việc bảo vệ môi trường. Nếu DN chậm chân trong ứng dụng khoa học - công nghệ rất dễ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hương Giang