Theo đại diện của các địa phương, việc đấu giá đất công sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư các công trình công cộng khác trên địa bàn.
Theo đại diện của các địa phương, việc đấu giá đất công sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư các công trình công cộng khác trên địa bàn.
Khu đất “vàng” ngay ngã năm Biên Hùng có diện tích gần 2 ngàn m2 sẽ được đưa ra đấu giá trong thời gian tới. |
Tính đến đầu tháng 10-2017, UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, đấu giá 122 khu đất với tổng diện tích gần 706 hécta. Thời gian qua đã có 16 khu đất với diện tích gần 44 hécta được tiến hành đấu giá với tổng số tiền là hơn 323 tỷ đồng. Còn lại hơn 100 khu đất đang trong quá trình hoàn thành thủ tục để đưa ra đấu giá trong thời gian tới.
* Bán để lấy vốn đầu tư
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Đem đấu giá đất công là để tăng vốn ngân sách cho tỉnh, huyện, có thêm nguồn xây dựng những công trình hạ tầng quan trọng khác nhằm giúp cho kinh tế địa phương phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, các địa phương cũng phải rà lại đất công và ưu tiên giữ lại những thửa có thể để làm trường học hoặc làm tái định cư cho những dự án của Nhà nước” |
Với những thửa đất đấu giá thành công, hơn một nửa số tiền thu được sẽ được chi lại cho ngân sách địa phương và phần còn lại thuộc về ngân sách tỉnh.
Vì vậy nếu đấu giá được các khu đất công, các huyện, thị, thành sẽ có thêm nguồn vốn để đầu tư cho công trình hạ tầng công cộng cần thiết khác trên địa bàn. Nhiều địa phương không muốn đấu giá đất công vì đất giữ lại càng lâu càng có giá, song do cần vốn đầu tư đành phải bán.
Một lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa cho biết: những thửa đất công quy hoạch phù hợp làm các công trình phục vụ giáo dục hay văn hóa thì UBND thành phố đều kiến nghị tỉnh giữ lại. Những thửa đất công quy hoạch là đất kinh doanh dịch vụ, đất ở sẽ đấu giá để ngân sách thành phố có thêm vốn đầu tư một số công trình công cộng cấp thiết trên địa bàn. Một số khu đất “vàng” của TP.Biên Hòa sẽ được đưa ra đầu giá, như: khu đất rạp hát Nam Hà, khu đất chung cư 5 tầng cũ nằm trên đường Hà Huy Giáp, khu đất giáp ranh chợ Tân Hiệp, thửa đất phường Bửu Hòa...
Theo ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, huyện cũng cân nhắc rất kỹ trong việc đưa ra đấu giá các thửa đất công. Trong đó, phần lớn chỉ bán những thửa đất nhỏ để có vốn đầu tư những công trình trọng điểm, những thửa đất vàng có diện tích lớn thì giữ lại để sau này phát triển kinh tế. “Các thửa đất vàng nếu càng giữ lại được lâu, giá trị càng tăng cao. Do đó, dù huyện rất cần vốn để làm một số công trình đường, trường học nhưng vẫn không vì thế mà đem đấu giá hết những khu đất vàng” - ông Ân bày tỏ.
* Chưa đấu giá, sẽ cho thuê
Thực tế chỉ những khu đất “vàng” khi đấu giá mới có nhiều nhà đầu tư để mắt tới. Những khu đất này khi định giá gặp không ít khó khăn và thường kéo dài do phải điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế để tăng thêm giá trị. Các khu đất đem ra đấu giá hầu hết được điều chỉnh quy hoạch thành đất ở, đất phát triển kinh doanh dịch vụ.
Ông Võ Hồng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, cho biết: “Phần lớn đất bán đấu giá còn đang trong quá trình xác định giá khởi điểm, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Trong thời gian chờ đợi các thủ tục trên hoàn tất, trung tâm đã cho thuê để giữ đất”. Bên cạnh đó, những nơi không thể đấu giá được cũng tiến hành cho thuê để tránh lãnh phí, đồng thời tăng giá trị của đất.
Về giá, nhiều ý kiến cho rằng giá khởi điểm của những khu đất khi đưa ra đấu giá nếu cao quá sẽ không tìm được người để chuyển nhượng, còn thấp quá sẽ gây thiệt hại cho ngân sách. Việc tính giá khởi điểm cần rất kỹ lưỡng nên thường kéo dài khá lâu. Từ ngày 1-7-2017, Luật Đấu giá mới hiệu lực có một số thay đổi, do vậy phải bổ sung hồ sơ cho phù hợp càng kéo dài thời gian đấu giá các thửa đất công.
Mong muốn của các sở, ngành là trong quá trình đấu giá đất, ngoài mục tiêu thu tiền về cho ngân sách thì cần chú ý đến hiệu quả sử dụng đất để góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.
Hương Giang