Giá gỗ cao su tăng liên tục, không có điểm dừng khiến cho các doanh nghiệp chế biến gỗ ngán ngẩm. Nhiều doanh nghiệp không dám nhận các đơn đặt hàng khi khách yêu cầu sản phẩm sản xuất bằng gỗ cao su.
Giá gỗ cao su tăng liên tục, không có điểm dừng khiến cho các doanh nghiệp chế biến gỗ ngán ngẩm. Nhiều doanh nghiệp không dám nhận các đơn đặt hàng khi khách yêu cầu sản phẩm sản xuất bằng gỗ cao su.
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhất Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1. |
Giá gỗ nguyên liệu cao nhưng doanh nghiệp không phải dễ dàng mua được hàng. Sản phẩm bằng gỗ cao su được nhiều thị trường nhập khẩu ưa chuộng. Loại gỗ này có tính pháp lý cao hơn khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
* Giá tăng ngất ngưởng
Ông Nguyễn Văn Lợi, đại diện Công ty TNHH một thành viên Lợi Hạnh (huyện Long Thành), cho biết gỗ cao su hút hàng đến mức xưởng cưa của ông phải “nằm chơi” nhiều tháng qua vì không mua được nguyên liệu để chạy đơn hàng.
“Mới đây ở xã Tân Hiệp (huyện Long Thành), chủ một vườn cao su vừa rao bán 1 ngàn cây là có người mua ngay với giá 900 ngàn đồng/cây. Nguồn gỗ cao su ở Đồng Nai hiện nay có rất ít, chủ yếu là ở các tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên đưa về” - ông Lợi nói.
Giá cây cao su hiện tại tăng so với cùng kỳ năm 2016 khoảng 300 ngàn đồng/cây. Ông Lợi cũng cho biết thêm, mới đây một cuộc đấu giá gỗ cao su ở Tây Nguyên có mức chênh lệnh quá cao, giá khởi điểm chỉ là 100 tỷ đồng nhưng giá trúng thầu lên đến hơn 200 tỷ đồng.
Không chỉ gỗ cao su tăng giá mà cả các loại phế phẩm như cành, gốc cây dùng làm củi cũng tăng giá khá mạnh. Ông Lê Văn Hùng, một người chuyên mua gom củi cung cấp cho các lò sấy ở huyện Trảng Bom, cho hay giá củi cao su hiện nay khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 400-500 ngàn đồng/tấn.
“Ở Đồng Nai, gỗ cao su tiểu điền cưa bán rất ít, không như các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông. Diện tích cao su cưa chủ yếu từ các nông trường thanh lý cây cao su già”- ông Hùng cho biết.
Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), từ đầu năm 2017 Trung Quốc chính thức đóng cửa rừng tự nhiên và cấm khai thác, xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguyên liệu, các doanh nghiệp Trung Quốc đã sang các nước khác để thu mua gỗ nguyên liệu, trong đó có Việt Nam.
* Nhà sản xuất “chào thua”
Trong khi giá gỗ nguyên liệu tăng cao thì giá đơn hàng hầu như vẫn giữ nguyên. Đây là điều khiến cho các doanh nghiệp chế biến băn khoăn khi ký hợp đồng.
Ông Đỗ Văn Cư, Giám đốc Công ty TNHH Châu Hoàng Thịnh (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Tôi mới có một lô hàng 10 m3 gỗ cao su, giá nguyên liệu thì tăng nhưng giá hợp đồng khách không tăng, sản xuất ra biết không có lãi. Khổ hơn là chất lượng gỗ cũng không được như trước, cần loại A-A nhưng chỉ mua được gỗ A-B, hiện hơn 1 ngàn chân ghế của công ty đang bị khách hàng trả về yêu cầu xử lý lại”.
Giá phôi gỗ cao su trên thị trường hiện nay dao động từ 8,5-8,7 triệu đồng/m3, tăng hơn so với cuối năm 2016 khoảng 1 triệu đồng/m3. Cũng theo ông Cư, do giá gỗ cao su tăng phi mã như hiện nay nên nhiều doanh nghiệp phải “chào thua” khi khách đặt sản xuất sản phẩm bằng loại gỗ này.
Khi giá phôi gỗ cao su cao, có những doanh nghiệp bỏ luôn việc chế biến mà chỉ sơ chế thành phôi, sau đó sấy khô bán. Chủ một doanh nghiệp khá lớn chuyên làm hàng xuất khẩu ở phường Tân Hòa cho biết từ tháng 4 đến nay, công ty ông từ chối sản xuất mặt hàng bằng gỗ cao su, bởi nguồn gỗ nguyên liệu này khá cao, tính ra lãi rất ít. Sau khi mua được gỗ, công ty chỉ xẻ phôi rồi sấy bán, tính ra lợi nhuận bán phôi cao hơn nhiều so với sản xuất ra thành phẩm và ít bị rủi ro.
Việc giá gỗ cao su tăng mạnh đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh đồ gỗ của Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Indonesia.
Vân Nam