Thời gian gần đây, trái cây Việt Nam đã đáp ứng về điều kiện kiểm dịch thực vật để vào những thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thời gian gần đây, trái cây Việt Nam đã đáp ứng về điều kiện kiểm dịch thực vật để vào những thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đầu ra trái cây Đồng Nai vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Sầu riêng đang sốt giá vì thương lái gom hàng xuất đi Trung Quốc. Ảnh chụp cảnh thương lái mua sầu riêng tại xã Bình Lộc (TX. Long Khánh). |
Từ đầu năm 2017, Australia đã đồng ý cho phép nhập khẩu thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long của Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên trên bình diện chung, xuất khẩu trái cây vẫn chủ yếu dựa vào các thị trường dễ tính và qua đường tiểu ngạch.
* Đi “chui” là chủ yếu
Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá sầu riêng hạt lép bán tại vườn bỗng nhảy đột biến lên mức 40-45 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 15 ngàn đồng/kg so với trước. Thương lái đua nhau về nhà vườn thu mua sầu riêng để đóng hàng đi Trung Quốc.
Bà Bùi Thị Lý, nông dân trồng sầu riêng ở TX.Long Khánh, cho biết: “Gần đây, thương lái tranh giành nhau về nhà vườn mua sầu riêng. Theo đó, giá bán loại trái cây này đột nhiên tăng cao khi bắt đầu bước vào rộ mùa thu hoạch. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không biết mức giá tốt này duy trì được bao lâu, vì những đợt gom hàng đi Trung Quốc thay đổi rất thất thường”.
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của rau, quả Việt Nam. Trong quý I-2017, Trung Quốc tiêu thụ trên 73% tổng sản lượng trái cây, rau xuất khẩu của Việt Nam. Tại Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đạt khoảng 811 triệu USD, tăng khoảng 18,5% so với cùng kỳ. Trong đó, những mặt hàng nông sản được thống kê chủ yếu chỉ gồm: hạt điều, cà phê, cao su, hạt tiêu, thủy sản.
Cụ thể, so với cùng kỳ, xuất khẩu cao su vào thị trường này tăng trên 18%, hạt điều tăng khoảng 3%, hạt tiêu giảm gần 50%, cà phê giảm 13%...Tuy theo các thương lái, Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ nhiều mặt hàng trái cây của Đồng Nai nhưng ngành hàng này vẫn chưa có trong danh mục các mặt hàng nông sản xuất khẩu được theo dõi vì chủ yếu chỉ xuất theo đường tiểu ngạch.
Nói về thị trường xuất khẩu trái cây, bà Nguyễn Thị Huệ, chủ vựa trái cây xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) cho biết, bao nhiêu năm qua, trái cây Việt Nam chỉ xuất được vào thị trường Trung Quốc. Hiện đang là vụ chính thu hoạch thanh long, nhưng đa số nhà vườn đều chọn cách ngắt bỏ hoa để giảm sản lượng vì mùa này giá thanh long rất thấp.
"Giá mua tại vườn loại tuyển để cung cấp cho các thương lái đóng đi Trung Quốc có mức từ 12-15 ngàn đồng/kg, hàng dạt bán nội địa chỉ còn khoảng 5 ngàn đồng/kg. Thanh long rớt giá vì thời điểm này bên Trung Quốc cũng thu hoạch nên giảm nhập thanh long Việt Nam" - bà Huệ nói.
Thanh long rớt giá vì Trung Quốc giảm ăn hàng. Ảnh chụp tại vựa trái cây ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất). |
Không chỉ riêng trái cây mà đa số các mặt hàng nông sản khác từ thịt heo đến con cá sấu... nhiều năm qua đều phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Do hoạt động xuất khẩu đều theo đường tiểu ngạch (thương lái còn gọi là xuất khẩu “lậu”) nên đầu ra gặp rất nhiều rủi ro, bất trắc. Ngay bản thân các thương lái cũng mù mờ thông tin về thị trường này.
* Cần quy hoạch lại sản xuất
Nhiều năm qua, Đồng Nai đã ký kết hợp tác với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nội dung hỗ trợ về thị trường, cụ thể Nhật Bản đã chấp nhận mở cửa cho trái xoài Đồng Nai. Nhưng đến nay, việc mở rộng kênh xuất khẩu trái cây theo đường chính ngạch vẫn còn bỏ ngỏ.
Đồng Nai không thiếu những loại cây chủ lực có diện tích lớn, chất lượng ngon, như: chôm chôm, sầu riêng, xoài... hoàn toàn đạt yêu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Cụ thể, trái sầu riêng của Đồng Nai từng xuất khẩu rất tốt vào thị trường Mỹ.
Công ty phát triển công nghệ sinh học DONA - TECHNO (TX.Long Khánh) đã mạnh dạn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với hàng trăm hécta để xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhưng khi thị trường sốt giá, nông dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp để bán hàng cho thương lái bên ngoài. Và nghịch lý nông dân bán đổ bán tháo trái cây trong khi doanh nghiệp mất cơ hội vì không gom đủ sản lượng hàng xuất khẩu vẫn tiếp diễn.
Đồng Nai cũng không thiếu những vùng chuyên canh trái cây với diện tích lớn, nhưng khi doanh nghiệp tìm đến đặt hàng thì lại không đáp ứng được cả về mặt chất lượng và sản lượng cho thị trường xuất khẩu. Trong đó, nông dân vẫn sản xuất theo kiểu tự phát, chạy theo phong trào là rào cản không nhỏ.
Tình trạng cùng một vườn sầu riêng, chôm chôm nhưng thường được xen nhiều giống khác nhau; mỗi nông dân lại có một bí quyết riêng chăm sóc vườn cây. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cần một chuẩn chung với tiêu chuẩn khắt khe từ kích cỡ, hình dáng đến chất lượng trái.
Ông Võ Văn Vịnh, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối nông sản sạch Dầu Giây (huyện Thống Nhất), có hơn 20 năm kinh doanh các mặt hàng trái cây, nhận xét: “Trái cây Đồng Nai rất nhiều, rất ngon nhưng chủ yếu chỉ bán được sang Trung Quốc. Nhưng đây chưa thể gọi là xuất khẩu vì vẫn đi theo đường tiểu ngạch theo kiểu được chăng hay chớ”.
Theo ông Vịnh, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến Đồng Nai đặt vấn đề xuất khẩu trái cây nhưng rồi đều bỏ cuộc vì không tìm được nguồn cung đạt yêu cầu cả về sản lượng và chất lượng. Khó khăn lớn nhất là nông dân vẫn sản xuất theo kiểu phong trào, chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu cả niềm tin và sự ràng buộc mang tính pháp lý cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp càng e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực quá nhiều rủi ro này.
Những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn, như: thanh long, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, xoài... đều là những cây trồng chủ lực của Đồng Nai với diện tích lớn. Cụ thể, toàn tỉnh có hơn 11,6 ngàn hécta xoài, sản lượng thu hoạch trên 95 ngàn tấn; chôm chôm trên 11 ngàn hécta, sản lượng khoảng 152 ngàn tấn; cây có múi gần 6 ngàn hécta, sản lượng khoảng 56 ngàn tấn; sầu riêng gần 4 ngàn hécta, sản lượng gần 31 ngàn tấn; mít gần 3 ngàn hécta, sản lượng đạt trên 36 ngàn tấn... Tuy UBND tỉnh đã có nhiều chương trình xúc tiến, kết nối nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Đồng Nai ra thị trường thế giới, nhưng đến nay trái cây Đồng Nai chủ yếu vẫn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, thiếu bền vững. |
Bình Nguyên