Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung các giải pháp phát triển kinh tế

11:07, 03/07/2017

Ngày 3-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017...

Ngày 3-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 nhằm đưa ra những giải pháp để những tháng còn lại trong năm tăng trưởng cao, đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Đồng Nai xếp thứ 6 trong cả nước và cao hơn bình quân chung cả nước gần 2%. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần tổ hợp Sado (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Đồng Nai xếp thứ 6 trong cả nước và cao hơn bình quân chung cả nước gần 2%. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần tổ hợp Sado (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG

Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2017 tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, dịch vụ tăng 6,85%. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước tiếp tục nhập siêu khoảng 2,7 tỷ USD.

Các giải pháp còn thiếu “lửa”

Mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng để đạt được mức tăng trưởng cả năm là 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt được tăng trưởng 7,4%. Để đạt được mức tăng trưởng trên trong những tháng cuối năm không dễ khi mùa mưa lũ sắp đến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Trong 6 tháng đầu năm chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng việc triển khai còn thiếu “lửa”, chưa quyết liệt, một bộ phận còn thực hiện cầm chừng, thiếu hiệu quả, một bộ phận cán bộ, chính quyền còn để tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm. Các thành viên dự họp cần đề xuất phương pháp, cách làm cụ thể để góp phần thực hiện vượt mức các chỉ tiêu mà Đảng, Nhà nước giao cho Chính phủ và các địa phương”.

Cũng theo Thủ tướng, thời gian qua người dân, doanh nghiệp còn kêu ca, phàn nàn về thủ tục hành chính. Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết: “Các bộ, ngành, tỉnh, thành nên lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo trong cải cách, giải quyết thủ tục hành chính. Về phía Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, phía các doanh nghiệp cũng phải ứng dụng khoa học - công nghệ vào trong sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để nâng khả năng cạnh tranh tại thị trường nội địa và xuất khẩu”.

Những giải pháp hữu hiệu

Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã đề ra, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp nhằm tăng xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu ở mức 2,7 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi trong nước rớt giá thấp nhất trong 10 năm trở lại đây khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, các tỉnh, thành cần tập trung tái cơ cấu lại chăn nuôi, trồng trọt. Trong tháng 8-2017, bộ sẽ hỗ trợ thủ tục, xúc tiến thương mại để có thể xuất khẩu heo sang những thị trường khác ngoài Trung Quốc”. Cũng theo ông Cường, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trên cả nước đã xuất khẩu được thịt gà sang Nhật Bản. Trong thời gian tới, Bộ sẽ có thêm các chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết với nông dân để có thể đưa các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt khác xuất khẩu. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lưu ý: “Muốn duy trì được nhập siêu trong năm 2017 dưới 3 tỷ USD thì cần kiểm soát nhập khẩu ô tô, rau củ quả và tăng xuất khẩu nông sản, sản phẩm chăn nuôi, dệt may, máy tính, điện tử... Hiện xuất khẩu nông sản sang một số nước đang bị hạn chế vì các thủ tục, các bộ, ngành nên phối hợp giải quyết nhanh những vướng mắc để doanh nghiệp dễ dàng mở rộng được xuất khẩu”. Ông Tuấn Anh cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhanh chóng xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước và giảm nhập siêu.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, mức đóng góp của doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... hiện cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, vì thế thời gian tới Chính phủ nên đề xuất Quốc hội xem xét lại giảm bớt. Hiện doanh nghiệp còn chịu nhiều chi phí trong làm thủ tục hành chính về đất đai, thuế, hải quan, nên UBND các tỉnh, thành cần rà soát chấn chỉnh lại. Lãi suất huy động và cho vay còn chênh nhau khá cao từ 3-5% gây khó khăn cho doanh nghiệp phải vay vốn, vì vậy nên giảm lãi suất cho vay. Tháo gỡ được những khó khăn trên, doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp kịp thời giải quyết khó khăn.

Đồng Nai kiến nghị 5 vấn đề

Phía đầu cầu Đồng Nai tham dự hội nghị trực tuyến có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng gần 7,3%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 8%, dịch vụ tăng 11,45% (tăng cao hơn so với bình quân cả nước). Thu ngân sách của tỉnh tăng 11% so với cùng kỳ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đồng Nai là một trong 7 tỉnh, thành thu ngân sách lớn nhất trong cả nước. Vì thế, Đồng Nai đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, ổn định sẽ đóng góp rất lớn cho nguồn thu của cả nước. Trong thời gian tới tỉnh nên tiếp tục đưa ra các giải pháp để phát triển bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã kiến nghị 5 vấn đề chính: Chính phủ xem xét sớm chấp nhận dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cho tỉnh chuyển đổi đất nông nghiệp, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để phù hợp với phát triển kinh tế; về nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư, đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư hướng dẫn 10% dự phòng tách riêng trong thông báo kế hoạch trung, dài hạn giữ lại tại ngân sách địa phương hay Trung ương; tại Đồng Nai nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng nên việc áp dụng quy định chỉ được khám 45 lượt/bàn/8 giờ và thực hiện các hoạt động cận lâm sàng của Bộ Y tế gây khó khăn cho các cơ sở y tế không đủ kinh phí hoạt động, mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân, ảnh hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, do đó kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tháo gỡ các vướng mắc trên...

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều