Đến đầu tháng 7-2017, đầu tư của khu vực ASEAN vào tỉnh hơn 4,36 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với 5 năm trước. Từ cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành đã thúc đẩy cả đầu tư lẫn xuất khẩu tăng nhanh.
Đến đầu tháng 7-2017, đầu tư của khu vực ASEAN vào tỉnh là hơn 4,36 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước. Từ cuối năm 2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành đã thúc đẩy cả đầu tư lẫn xuất khẩu tăng nhanh. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ASEAN đánh giá Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn.
Nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty cổ phần C.P Việt Nam - một trong những tập đoàn trong khối ASEAN đầu tư vào Đồng Nai khá thành công. |
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, hiện nay đã có 6 quốc gia trong khối ASEAN đầu tư vào tỉnh với 144 dự án có tổng vốn hơn 4,36 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu là Singapore, tiếp đến là Thái Lan và Brunei.
* Mở rộng đầu tư
Theo Bộ Ngoại giao, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8-8-1967 với 5 thành viên ban đầu, phát triển thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á và đã chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015. Cộng đồng ASEAN hướng đến 3 mục tiêu lớn là: Cộng đồng an ninh - chính trị, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa - xã hội. Ngoài ra, ASEAN còn hướng đến mục tiêu sâu sắc hơn quan hệ với đối tác và giữ vai trò trung tâm ở khu vực thông quan nhiều khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF và ADMM+ và được lồng ghép vào hoạt động của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN. |
Nguồn vốn của các nhà đầu tư Singapore thường tập trung vào các dự án bất động sản, còn các DN của Thái Lan chuyên đầu tư vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và làm hạ tầng các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, thương mại 2 chiều giữa Đồng Nai và ASAEN cũng tăng lên đáng kể và đây là thị trường xuất siêu lớn của Đồng Nai.
Từ đầu năm 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập đã tạo ra một không gian kinh tế trên nền tảng của khu vực mậu dịch tự do, mở rộng phạm vi, nâng cao về mức độ tự do hóa. Các loại thuế quan đối với hàng hóa cơ bản không còn, nên sự lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn thuận lợi hơn. Do đó, nguồn vốn đầu tư của những thành viên trong khối ASEAN vào Việt Nam cũng như Đồng Nai tăng cao.
Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho hay: “Những năm gần đây, đầu tư của các DN khối ASEAN vào Đồng Nai tăng cao. Phần lớn các dự án là đầu tư vào các khu công nghiệp, triển khai khá nhanh và sớm đi vào hoạt động. Một số nhà đầu tư Thái Lan đầu tư vào Đồng Nai sớm và hiện rất thành công như các Tập đoàn C.P, Amata”.
Hơn 20 năm trước, đầu tư của Tập đoàn Amata đầu tư vào Đồng Nai chỉ vài chục triệu USD, nhưng hiện tại đã nâng lên gần 700 triệu USD. Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) do Tập đoàn Amata đầu tư đã trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu cho cả nước. Tập đoàn này đang gấp rút hoàn thành khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Đồng Nai và 2 khu đô thị cao cấp liền kề tại huyện Long Thành để đón đầu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tập đoàn C.P khi đến Việt Nam đã chọn Đồng Nai là nơi đặt chân đầu tiên và sau hơn 20 năm đã mở rộng hàng chục nhà máy ra các tỉnh khác trong cả nước.
“C.P Group đầu tư vào Đồng Nai khá hiệu quả vì luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền tỉnh. Sau khi thành công tại Đồng Nai, C.P đã mở rộng đầu tư ra nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước và hiện nay đã trở thành một trong những DN nước ngoài dẫn đầu trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam” - ông Chinoros Banjachavakul, Phó tổng giám đốc Nhân sự và truyền thông của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết.
Các nhà đầu tư Singapore gần đây tiếp tục rót vốn triển khai nhanh các dự án bất động sản lớn trong tỉnh, như: dự án khu đô thị Waterfront là một trong 6 dự án thuộc khu đô thị mới Long Hưng (ở xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) có tổng vốn 750 triệu USD, quy mô gần 367 hécta. Nguồn vốn đầu tư là liên doanh giữa Donacoop và nhà đầu tư Singapore; dự án Hoa Sen Đại Phước ở cù lao Ông Cồn (xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) diện tích khoảng 200 hécta với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD; dự án nằm trong tổng thể Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước rộng 465 hécta. Chủ đầu tư là Tập đoàn VinaCapital (Singapore) và Tổng công ty đầu tư phát triển xây dựng DIC...
* Khu vực xuất siêu lớn
Việt Nam tiếp tục tham gia ASEAN với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, nhưng cần phát huy vai trò lớn hơn, đóng vai trò nòng cốt, đi đầu trong những vấn đề mà ta có lợi ích trực tiếp và có thế mạnh, đề xuất nhiều sáng kiến, dự án khả thi, kiên trì các vấn đề nguyên tắc nhưng cần linh hoạt về biện pháp, cách thức tiến hành để đảm bảo đồng thuận ASEAN. Mục tiêu góp phần tạo dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác thuận lợi hơn nữa để hỗ trợ đắc lực cho xây dựng bảo vệ Tổ quốc, tạo thuận lợi cho hội nhập quốc tế, đẩy mạnh quan hệ với đối tác bên ngoài, nhất là với các nước lớn. |
Khối ASEAN gồm 10 nước là: Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Brunei, Lào, Campuchia. Đây cũng là thị trường có kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu lớn của Đồng Nai và 2-3 năm trở lại đây xuất khẩu sang thị trường này có bước tăng trưởng khá, khoảng 12-14%/năm.
Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Phúc Thọ cho biết: “Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN Đồng Nai vào các nước ASEAN những năm gần đây tăng trưởng khá. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gần 7 tháng đầu năm của tỉnh vào ASEAN là hơn 835 triệu USD, tăng gần 80 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất siêu gần 720 triệu USD”. Mặt hàng các DN Đồng Nai xuất khẩu nhiều vào ASEAN là: dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị... Hàng hóa Đồng Nai nhập khẩu nhiều từ các nước trong ASEAN là trái cây, điện máy, hóa mỹ phẩm, thực phẩm... gần 20 triệu USD/tháng. Hiện trên thị trường Đồng Nai những mặt hàng điện máy, như: máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, quạt, nồi cơm điện có đến trên 80% xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Ngoài ra, các mặt hàng gia vị, thực phẩm khô, quần áo, hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ những nước ASEAN cũng được bán khá nhiều tại thị trường Đồng Nai và giá tương đối cạnh tranh với hàng Việt cùng loại. Người tiêu dùng tại Đồng Nai cũng tin tưởng và sử dụng hàng từ các nước trong khối ASEAN.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), từ tháng 1-2009 các nước trong khối ASEAN đã thông qua lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đến cuối năm 2015, Cộng đồng ASEAN hình thành với mục tiêu gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác rộng mở với bên ngoài, hoạt động theo luật lệ và hướng tới người dân. Giao dịch thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN tăng lên khá cao.
Hương Giang